TANDTC và VKSNDTC phối hợp thi hành quy định của BLTTDS và Luật TTHC năm 2015

Tiêu điểm - Ngày đăng : 16:23, 31/08/2016

Ngày 31/8, lãnh đạo TANDTC và VKSNDTC ký kết Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC và Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa VKSNDTC- TANDTC thi hành một số quy định của BLTTDS và Luật TTHC.

 

TANDTC và VKSNDTC phối hợp thi hành quy định của BLTTDS và Luật TTHC năm 2015

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Lễ ký kết

Tham dự Lễ ký kết có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC; Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa; Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào; Phó Viện trưởng VKSNDT Nguyễn Thị Thủy Khiêm và lãnh đạo các đơn vị chức năng của TANDTC, VKSNDTC…

TANDTC và VKSNDTC phối hợp thi hành quy định của BLTTDS và Luật TTHC năm 2015

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào và Phó Viện trưởng VKSNDT Nguyễn Thị Thủy Khiêm ký kết Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT

Tại Lễ ký kết, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC cho biết, ngay sau khi BLTTDS năm 2015, Luật TTHC năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua, cùng với việc triển khai tập huấn các đạo luật, lãnh đạo VKSNDTC và TANDTC đã phối hợp chỉ đạo Vụ pháp chế- Quản lý khoa của 2 cơ quan cùng với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức xây dựng 2 thông tư liên tịch (TTLT) hướng dẫn việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa VKSND và TAND trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của TTDS, TTHC. Việc xây dựng 2 TTLT bám sát vào các quy định của BLTTDS, LTTHC năm 2015, thể hiện đúng tinh thần của luật; tuân thủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các TTLT dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành TTLT số 03/2012, TTLT số 04/2012 và kế thừa các quy định còn phù hợp, đồng thời có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc. Các quy định của 2 TTLT bảo đảm xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa 2 cơ quan trên cơ sở pháp luật nhưng linh hoạt, hiệu quả để thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn một cách nhanh chóng, kịp thời.

TANDTC và VKSNDTC phối hợp thi hành quy định của BLTTDS và Luật TTHC năm 2015

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa và Phó Viện trưởng VKSNDT Nguyễn Thị Thủy Khiêm đã ký kết Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT

Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS gồm có 6 Chương, 38 Điều. TTLT này quy định việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án trong kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự; tham gia phiên tòa, phiên họp của Tòa án; chuyển, gửi hồ sơ, tài liệu, văn bản tố tụng; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát trong TTDS.

Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật TTHC gồm có 6 Chương, 34 Điều. TTLT này quy định việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính; tham gia phiên tòa, phiên họp của Tòa án; chuyển, gửi hồ sơ, tài liệu, văn bản tố tụng; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát trong TTHC.

Nội dung chính của 2 TTLT đã quy định rõ việc chuyển hồ sơ, gửi văn bản tố tụng giữa Tòa án và Viện kiểm sát; quy định mối quan hệ phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp và xem xét việc kháng nghị; để Toà án, Viện kiểm sát xem xét việc kiến nghị, đề nghị trong thủ tục đặc biệt; gửi các quyết định, văn bản thông báo mà BLTTDS, Luật TTHC chưa quy định rõ về hình thức, thời hạn gửi. Việc thực hiện một số quyền yêu cầu, quyền kiến nghị của Viện kiểm sát quy định rõ về thẩm quyền thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên. TTLT cũng quy định mối quan hệ phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ; việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa, phiên họp; việc thông báo, gửi tài liệu, chứng cứ cho Tòa án do Viện kiểm sát thu thập. Ngoài ra 2 TTLT quy định chặt chẽ về việc Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp; trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp trong TTDS, TTHC. Bên cạnh đó, TTLT cũng quy định việc thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát đối với Tòa án khi Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Sau khi nghe những nội dung chính của 2 TTLT, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào và Phó Viện trưởng VKSNDT Nguyễn Thị Thủy Khiêm đã ký kết Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS. Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa và Phó Viện trưởng VKSNDT Nguyễn Thị Thủy Khiêm đã ký kết Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật TTHC.

Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC có hiệu lực thi hành từ ngày 18/10/2016. Các quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án có đương sự là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 (ngày BLDS số 91/2015/QH13 có hiệu lực thi hành). Về quy định chuyển tiếp, đối với những vụ việc dân sự đã được Tòa án thụ lý giải quyết và bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày TTLT này có hiệu lực thi hành, thì không áp dụng quy định của TTLT này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Đối với những vụ án dân sự thuộc các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS và được hướng dẫn tại Điều 27 của TTLT này mà đã được Tòa án thụ lý trước ngày TTLT này có hiệu lực thi hành và Toà án chưa chuyển hồ sơ vụ án dân sự đó cho Viện kiểm sát nghiên cứu, tham gia phiên tòa, nhưng kể từ ngày TTLT này có hiệu lực thi hành mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để tham gia phiên tòa sơ thẩm theo quy định của TTLT. Đối với những vụ án dân sự đã được xét xử sơ thẩm trưởc ngày TTLT này có hiệu lực thi hành mà Viện kiêm sát không tham gia phiên tòa sơ thẩm, nhưng kể từ ngày TTLT có hiệu lực thi hành mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để tham gia phiên toà phúc thẩm. Đối với vụ án dân sự được xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm trước ngày TTLT có hiệu lực thi hành, nhưng kể từ ngày TTLT có hiệu lực thi hành mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị Tòa án cấp có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm tuyên hủy để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm, thì việc Viện kiểm sát tham gia phiên toà được thực hiện theo quy định của TTLT.

Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật TTHC có hiệu lực thi hành từ ngày 18/10/2016. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thông báo cho VKSNDTC, TANDTC để xem xét, quyết định.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: đây là 2 TTLT rất quan trong quy định về sự phối hợp giữa VKSND, TAND  khi thi hành BLTTDS và Luật TTHC. Chính vì vậy, các đơn vị chức năng của hai cơ quan cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và phổ biến đến cán bộ, công chức của toàn ngành để nắm bắt và áp dụng vào thực hiện xét xử cũng như kiểm sát các vụ việc theo thẩm quyền. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mong rằng hai cơ quan cần tiếp tục phối hợp trong việc hướng dẫn pháp luật để và các hoạt động công tác để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.

Trần Minh Giang