Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác cải cách hành chính tư pháp tại các TAND

Tiêu điểm - Ngày đăng : 17:24, 18/03/2016

Ngày 18/3/2016, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND và triển khai hướng dẫn thành lập các Tòa chuyên trách trong các Tòa án”.

Hội nghị diễn ra tại 66 điểm cầu kết nối giữa TANDTC, Học viện Tòa án, các TAND cấp cao và TAND cấp tỉnh trong toàn quốc.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC và đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền và Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội đặt tại trụ sở TANDTC.

Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác cải cách hành chính tư pháp tại các TAND

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc Hội nghị tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Hòa Bình nêu rõ, trong thời gian qua, thực hiện yêu cầu “Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án”, các đơn vị thuộc TANDTC, các TAND cấp cao, các TAND cấp tỉnh và cấp huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các vụ án; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và các mặt hoạt động khác. Hầu hết tại các đơn vị đều đã hình thành các mô hình tổ chức phục vụ cho công tác đổi mới thủ tục hành chính tư pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì công tác này vẫn còn có hạn chế cần phải khắc phục để hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc bổ trợ cho các hoạt động tố tụng và hoạt động quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, xây dựng các Tòa án thân thiện, gần dân, phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có công việc tại Tòa án. Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu tại các điểm cầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp để trong thời gian tới công tác này thực sự phát huy được hiệu quả.

Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác cải cách hành chính tư pháp tại các TAND

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa trình bày Báo cáo tại điểm cầu Hà Nội

Trình bày Báo cáo Tổng kết công tác cải cách hành chính tư pháp tại các TAND trong thời gian qua, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa nêu lên những kết quả của các Tòa án trong thực hiện nhiều giải pháp đổi mới cải cách hành chính tư pháp. Theo đó, hầu hết các đơn vị tập trung vào việc đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển đến, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phân công giải quyết vụ án; cấp sao lục bản án, quyết định của Tòa án; quản lý số lượng án thụ lý, giải quyết; tiếp công dân... Bên cạnh đó, các Tòa án đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động, đồng thời công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án. Nhiều đơn vị đã chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; tác phong công vụ cho cán bộ, công chức nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án.

Việc đổi mới cải cách hành chính tư pháp được thực hiện từ TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, cấp huyện đến TAQS các cấp. Ở TANDTC, Văn phòng TANDTC là đơn vị đầu mối tiếp nhận các đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Phòng Hành chính tư pháp thuộc Văn phòng giúp Chánh Văn phòng tham mưu cho lãnh đạo TANDTC trong lĩnh vực này. Tại các TAND cấp cao, Phòng Hành chính tư pháp có chức năng tiếp nhận, thụ lý hồ sơ các vụ việc theo thủ tục phúc thẩm; bàn giao hồ sơ để VKSND cấp cao nghiên cứu theo qui định của pháp luật tố tụng. Giúp Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết các vụ việc; lên lịch xét xử chung của đơn vị; cập nhật vào phần mềm quản lý tình hình thụ lý, giải quyết các vụ việc; thực hiện việc cấp trích lục án, bản sao bản án cho công dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan và là đầu mối tiếp nhận, xử lý bước đầu các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm như mô hình của TANDTC. Tại các TAQS, TAQS Trung ương đã chỉ đạo các TAQS xây dựng và ban hành nhiều Quy chế liên quan tới quy trình xử lý công việc theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của từng cấp TAQS và quy định rõ chức năng nhiệm vụ, các bước tiến hành công việc tại các bộ phận. Tại các TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện đã quan tâm cải cách quy trình xử lý công việc tại đơn vị mình nhằm giảm bớt những thủ tục rườm rà để nâng cao hiệu quả công tác...

Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác cải cách hành chính tư pháp tại các TAND

Hình ảnh kết nối các điểm cầu: TP Hồ Chí Minh; TP Hà Nội, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Hà Tĩnh

Trong những năm qua, quá trình cải cách hành chính tư pháp đã nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết án của Tòa án đồng thời bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân. Đảm bảo thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có nhu cầu đến Tòa án làm việc hoặc liên hệ công tác chỉ liên hệ với Tổ Hành chính tư pháp (một cửa), không phải đi lại nhiều lần. Các đương sự khi có vướng mắc được giải thích pháp luật, được hướng dẫn các thủ tục, điều kiện khởi kiện, bổ sung tài liệu giấy tờ cần thiết mà không phải tự mình tìm hiểu như trước. Qua đó đã giảm phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu giải quyết công việc tại Tòa án.

Về phía Tòa án, hoạt động tiếp dân, tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện được tập trung vào một đầu mối chuyên trách nên hạn chế tình trạng thụ lý án khi chưa đủ điều kiện, thụ lý tràn lan, giúp cho việc kiểm tra, thống kê án kịp thời, chính xác, tiết kiệm thời gian. Các hoạt động tố tụng như tống đạt, gửi giấy báo, thông báo, ghi lời khai, tiến hành hòa giải và các hoạt động của Tổ Hành chính tư pháp được sắp xếp, bố trí làm việc tập trung tại một khu vực, đảm bảo vừa thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng, vừa phục vụ tốt nhất yêu cầu của các cơ quan tổ chức Nhà nước và công dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Bùi Ngọc Hòa cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác này. Đó là mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” tại các TAND cấp tỉnh và cấp huyện mặc dù đã thể hiện nhiều ưu điểm, nhưng vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc đối với các Tòa án. Nhiều Tòa án chưa chú trọng đúng mức đến lĩnh vực cải cách hành chính tư pháp; mô hình tổ chức bộ máy và quy trình thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp không thống nhât. Đội ngũ cán bộ được giao thực hiện các hoạt động hành chính tư pháp còn thiếu về số lượng, một số hạn chế về trình độ; tinh thần trách nhiệm với công việc và cá biệt còn có biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân. Trang thiết bị và môi trường làm việc để tiến hành các hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp chưa hiện đại, khoa học, đặc biệt là đối với các TAND cấp huyện.

Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác cải cách hành chính tư pháp tại các TAND

Các đại biểu theo dõi thông tin các điểm cầu qua hệ thống truyền hình trực tuyến

Trong phần tham luận, đóng góp ý kiến, TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế, TAND tỉnh Hà Nam, TAND tỉnh Tiền Giang, TAND TP Hà Nội, TAND TP Hồ Chí Minh… đã chia sẻ các kinh nghiệm về thực hiện công tác cải cách hành chính tư pháp. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng kiến nghị, đề xuẩt với lãnh đạo TANDTC cần đầu tư thêm kinh phí, trang bị phần mềm quản lý hiện đại, bổ sung biên chế người làm công nghệ thông tin. Về vấn đề thành lập Tòa án điện tử, hiện tại Cục Kế hoạch- Tài chính TANDTC đã tiến hành cho lắp đặt camera, máy ghi âm cho các đơn vị Tòa án có số lượng án trên 500 vụ/năm; tiếp tục bố trí kinh phí để xây dựng cổng thông tin điện tử tại các Tòa án; xây dựng các phần mềm ứng dụng quản lý các hoạt động của Tòa án án để phấn đấu trước năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động Tòa án điện tử.

Về thành lập các Tòa chuyên trách trong các Tòa án, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã thông báo Thông tư số 01/2016/TT-CA của Chánh án TANDTC quy định về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Thông tư đã nêu rõ những điều kiện tổ chức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giải thể Tòa chuyên trách. Theo đó, việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện phải đảm bảo số vụ việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa chuyên trách có từ 50 vụ án/năm trở lên. Trường hợp các Tòa án không đáp ứng đủ điều kiện thành lập Tòa chuyên trách thì không thành lập Tòa chuyên trách nhưng phải bố trí Thẩm phán chuyên trách để giải quyết…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC ghi nhận những thành tích bước đầu trong công tác cải cách hành chính tư pháp của các TAND. Cùng với việc hình thành các mô hình về công tác này, các đơn vị đã căn cứ và bám sát vào các quy định của pháp luật về thủ tục tố tụng, xây dựng các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo đơn vị. Các Tòa án đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính tư pháp, nhiều đơn vị đã xây dựng các website hay kiốt điện tử để thông tin các quy trình xử lý công việc tại Tòa án, các văn bản tố tụng và hành chính tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập để biết được đầy đủ thông tin về vụ việc của mình đang được giải quyết.

Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác cải cách hành chính tư pháp tại các TAND

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TANDTC

Về phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính tư pháp của các TAND trong thời gian tới, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải xác định việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tại Tòa án trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác Tòa án nói chung và chất lượng phục vụ người dân khi có việc yêu cầu Tòa án giải quyết nói riêng, nhằm xây dựng Tòa án công khai, minh bạch, thân tiện, gần dân, phục vụ nhân dân.

Để thực hiện được việc này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đề nghị các đơn vị Tòa án tiếp tục nghiên cứu, xây dựng từng quy trình xử lý công việc đơn giản, tiện ích, đảm bảo khâu trước là tiền đề chuẩn bị cho khâu sau và rút ngắn, đơn giản hóa các bước, thủ tục, đảm bảo liên thông một cửa, tiến tới thiết kế bộ máy và bố trí, sắp xếp cán bộ cho phù hợp, đồng thời xây dựng các phần mềm ứng dụng để nâng cao hiệu quả của từng khâu, từng hoạt động. Chú trọng tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm ứng dụng, cần chú ý tập trung đầu tư xây dựng các trang thông tin điện tử, các “ki ốt” điện tử cho các Tòa án để công khai, minh bạch các trình tự, thủ tục tại Tòa án; thiết lập các đầu mối, địa chỉ, số điện thoại để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin. Giao Vụ Tổng hợp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án Tòa án điện tử, trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức triển khai Tòa án điện tử vào năm 2020. Tăng cường phối hợp với các bộ ngành liên quan để học hỏi kinh nghiệm; làm tốt công tác hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực và kinh nghiệm của các nước trong cải cách hành chính tư pháp.

Về công tác tổ chức các Tòa chuyên trách tại các TAND, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình lưu ý, các đơn vị Tòa án cần phải căn cứ vào yêu cầu công việc và thực tế xét xử của mỗi đơn vị, tùy vào biên chế đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, thư ký của từng Tòa án và do Chánh án TANDTC xem xét, quyết định. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chánh án TANDTC quyết định thành lập các Tòa chuyên trách, các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế để đề xuất, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Riêng về tổ chức Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Chánh án TANDTC đã có bài viết quán triệt và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử TANDTC, các đơn vị chủ động nghiên cứu để triển khai thực hiện. Tòa Gia đình và người chưa thành niên là Tòa chuyên trách và thuộc nội dung cải cách tư pháp, đối tượng là trẻ em nên cần phải có phòng xử riêng, có nhà giữ trẻ, có đội ngũ chuyên gia tâm lý, tư vấn, hòa giải để tiến hành các thủ tục khi giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật. TAND TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương để ra mắt Tòa Gia đình và người chưa thành niên vào ngày 1/4/2016, trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để tổ chức tại các Tòa án khác.

Quang Trung - Minh Giang