Hà Tĩnh: Quê nhà vỡ òa cảm xúc khi biết tin Lê Văn Công phá kỷ lục thế giới

Thể thao - Ngày đăng : 19:54, 10/09/2016

Sau khi Lê Văn Công phá kỷ lục thế giới và giành huy chương vàng quý giá cho đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam, hết thảy đều ngã mũ thán phục nghị lực phi thường của anh. Nơi quê nhà Hà Tĩnh bà con lối xóm đều vỡ òa cảm xúc.

Niềm vui nơi quê nghèo

Người dân khối 10, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh nói riêng và người dân Hà Tĩnh nói chung đang rất tự hào khi chàng trai Lê Văn Công đã mang về chiếc huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam, tự hào hơn khi anh đã phá kỹ lục thế giới ở môn cử tạ giành cho người khuyết tật.Từ sáng sớm  căn nhà ông Lê Văn Tuân (ở khối phố 10, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) đã rạo rực tiếng cười từ bà con lối xóm sang chúc mừng. Ông Lê Văn Tuân không dấu nổi niềm vui cho biết"Khoảnh khắc con nâng thành công mức tạ 181kg, rồi lại phá kỷ lục ở 183kg khiến cả nhà vỡ òa.

Khi xem con thi đấu trực tiếp không được xem qua tivi mà chỉ xem qua màn hình điện thoại nên không thấy rõ, nhưng khi biết được thành tích con trai đạt được tôi đã rưng nước mắt sung sướng, hạnh phúc, cả đêm không ngủ được chờ cho trời sáng để bật tivi lên xem chương trình thể thao buỗi sáng để được nhìn rõ hơn hình ảnh khi con thi đấu.

Hà Tĩnh: Quê nhà vỡ òa cảm xúc khi biết tin Lê Văn Công phá kỷ lục thế giới

 Gia đình và người thân đang xem lại những tấm bằng khen  mà Lê Văn Công đã gặt hái được


Ông Tuân cho biết thêm "Mấy ngày này cả gia đình tôi sống trong ngập tràn niềm hạnh phúc bởi những cuộc điện thoại gần xa gọi về và bà con làng xóm, các tổ chức đoàn thể tới nhà chúc mừng gia đình…” –

Một người hàng xóm của ông Tuân cho biết: "Niềm vui này không chỉ riêng gia đình ông Tuân đâu mà cả thôn này đều rất vui mừng, hãnh diện chú ạ, biết được người con được sinh ra từ cái làng nghèo này lại mang về vinh quang cho tổ quốc không hạnh phúc, không tự hào làm sao được".

Tố chất của một vận động viên từ nhỏ

Lê Văn Công sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 5 anh em trai ở vùng quê Hà Tĩnh, Công bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời. Đôi chân bé tẹo, teo tóp là di chứng để lại khi mẹ mang bầu nhiễm sốt xuất huyết.

Ông Lê Văn Tuân cho biết,  học hết cấp 2 ở quê, năm 2005, Lê Văn Công vào Tp.HCM học nghề tại một trung dành cho người khuyết tật. Sau đó được giới thiệu vào CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật và tham gia tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe của CLB cử tạ quận Tân Bình.

Hà Tĩnh: Quê nhà vỡ òa cảm xúc khi biết tin Lê Văn Công phá kỷ lục thế giới

 Tổ ấm  gia đình là chổ dựa là động lực để Lê Văn Công vượt qua số phận đạt đến thành công

Đã từng tham gia nhiều giải đấu và gặt hái được rất nhiều thành công, ngay năm đầu dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc (2005) Lê Văn Công giành HCB. Tại ASEAN Para Games 2007, giải quốc tế đầu tiên của Lê Văn Công, anh giành HCV khi cử đẩy thành công mức tạ 152,5kg. Kể từ đó, Lê Văn Công gặt hái rất nhiều  huy chương khu vực và châu lục môn cử tạ. 9 năm sau, tấm HCV quốc tế đầu tiên, Lê Văn Công đã tăng thêm thành tích của chính mình lên tới 30,5kg để lập KLTG với mức tạ 183kg và ghi tên mình vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách VĐV người khuyết tật đầu tiên giành HCV Paralympic.

Bà Nguyễn Thị Quế - mẹ của Lê Văn Công không dấu nổi những giọt nước mắt bà cho biết: "Khi sinh con ra không được lành lặn, bình thường vợ chồng tôi rất thương cháu, đã tìm nhiều cánh, đi nhiều nơi để tìm phương án chữa trị nhưng bất thành, đành để vậy nuôi con tới ngày hôm nay, thật may khi nó lại vượt qua được chính mình để rồi hôm nay nó mang về cho tổ quốc, cho gia đình một niềm tự hào khôn xiết".

Hà Tĩnh: Quê nhà vỡ òa cảm xúc khi biết tin Lê Văn Công phá kỷ lục thế giới

Bằng khen về thành tích  thể dục thể thao mà anh đã đạt được

"Ngay từ bé, mặc dù đôi chân dường như không thể đi lại nhưng trời lại ban cho anh đôi tay cứng cõi, rắn chắc. Khả năng leo trèo từ bé thì không ai trong cái làng này không biết, khả năng leo trèo nhanh như sóc mà những người thường khó có thể theo kịp" ông Nguyễn Viết Liệu khối trưởng khối 10 và là một người bạn của ông Lê Văn Tuân cho biết khi nói về Lê Văn Công.

Con đường đến với vận động viên cử tạ trở thành một VĐV dành tấm huy chương vàng lịch sử Paralympics cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam của Lê Văn Công cũng rất thăng trầm. Theo người nhà của Công kể lại thì những năm tháng tuổi trẻ, Lê Văn Công còn phải đấu tranh để tìm lấy hạnh phúc cho riêng mình. Sau nhiều lần bị gia đình vợ ngăn cấm, bằng sự chân thành, thật thà, kiên trì, Công dần chiếm được niềm tin của mọi người.

Với Công, chị Chu Thị Tám (hay còn gọi Út Tám, người quê ở Nghi Lộc – Nghệ An) không chỉ là người đầu gối tay kề, còn là người bạn chí cốt giúp anh vượt lên những mặc cảm, đi cùng anh qua nhiều giông bão của cuộc đời. 

Liên lạc với chị Chu Thị Tám - vợ anh Công qua điện thoại, chị Tám mừng mừng, tủi tủi tâm sự: “mẹ con em đang ở TPHCM mấy ngày nay mừng, hạnh phúc không xiết khi anh Công được tấm huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam. Hiện anh đang ở nước ngoài, mẹ con em chỉ có thể liên lạc với anh qua mạng xã hội và điện thoại. Mong anh luôn vững tin, mẹ con và gia đình ở quê nhà luôn ủng hộ và bên cạnh anh…".

Hiện tại hai vợ chồng Lê Văn Công cùng hai cháu nhỏ đang sinh sống tại thành phố Hồ chí Minh, sau khi giành huy chương vàng Lê Văn Công đã điện thoại về cho gia đình và cho biết tết này con sẽ về thăm quê, thăm cha mẹ và người dân phường Đại Nài nói riêng và người dân Hà Tĩnh nơi anh đã sinh ra và lớn lên.

Phương Anh