V- League: Sân khấu dành cho chân sút ngoại
Thể thao - Ngày đăng : 18:21, 12/04/2016
Tuy nhiên, ĐTQG lại đang loay hoay tìm trung phong cắm đúng nghĩa, khi nhiều năm qua vị trí này ở hầu hết các CLB luôn dành cho các chân sút nhập ngoại.
Từ năm 2003 đến nay, vua phá lưới V-League đều thuộc về các chân sút ngoại. Công Vinh, nhà vô địch AFF Cup 2008 được coi là một trong những tiền đạo đẳng cấp nhất Việt Nam nhưng anh chưa một lần trở thành cầu thủ lập công nhiều nhất ở giải đấu cao nhất trong nước.
Trên thế giới không đâu như chúng ta. Mỗi khi mùa giải kết thúc, người ta lại đi tìm vua phá lưới nội, chuyện khôi hài có thật của giải bóng đá mang danh chuyên nghiệp.
Không ai nghi ngờ việc chuyên nghiệp hóa bóng đá ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển cầu thủ nội. Việc thuê cầu thủ ngoại giúp giải có chất lượng chuyên môn cao hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này giải đấu lại đang là sân khấu cho các chân sút nước ngoài tung hoành (cả cầu thủ nhập tịch). Đồng thời người hâm mộ đang quay lưng lại với các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam.
Không thể phủ nhận tiền đạo ngoại binh có sức mạnh, kỹ thuật, thể hình cao to hơn cầu thủ ta nên vị trí trung phong cắm thường thích hợp hơn với họ. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do khiến V-League không còn gần gũi với người hâm mộ nước nhà như trước nữa.
Trước đây, bóng đá Việt Nam sản sinh ra nhiều cầu thủ trung phong xuất sắc như Nguyễn Cao Cường (Thể Công), Lê Huỳnh Đức (CATP Hồ Chí Minh), Trần Minh Chiến (Cảng Sài Gòn)…Mỗi trận đối đầu giữa CATP Hồ Chí Minh với Cảng Sài Gòn luôn hấp dẫn hay CA Hà Nội gặp CLB Quân Đội luôn nảy lửa.
Hạn chế hay tăng ngoại binh ở mỗi đội không nói lên vấn đề cốt lõi. Vấn đề chính là lối đá phải dựa trên cầu thủ hay của quốc nội kết hợp sự “giúp sức” của ngoại binh chất lượng. Từ lối chơi hay tạo bản sắc của mỗi đội chắc hẳn tạo sự gần gũi đối vơi khán giả tại địa phương và thôi thúc họ đến sân cổ vũ.
Nhìn sang Thái Lan họ đã làm được điều đó khi các CLB thuê cầu thủ ngoại với mục đích để họ phát huy và chạy theo lối đá cầu thủ nội.