PGS. TS Trần Văn Độ: Quy định biện pháp điều tra đặc biệt để xử lý tham nhũng
Tiêu điểm - Ngày đăng : 22:49, 24/11/2015
Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Bên lề kỳ họp Quốc hội, chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS Trần Văn Độ về vấn đề này.
PV: Thưa ông, BLTTHS (sửa đổi) quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt với hy vọng ngăn chặn hiệu quả tội phạm tham nhũng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Trần Văn Độ: Tôi cho rằng, việc quy định những biện pháp điều tra đặc biệt như vậy trong BLTTHS là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, quá trình điều tra theo luật hiện hành tỏ ra không thật hiệu quả, nhất là đối với một số loại tội phạm như tham nhũng. Tham nhũng rất nhiều nhưng phát hiện, xử lý được rất ít, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Lý do có lẽ cũng do thiếu thiết chế đặc thù để phát hiện, thu thập chứng cứ đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng. Do đó, cần quy định các biện pháp điều tra đặc biệt này.
PGS.TS Trần Văn Độ
Tuy nhiên, việc quy định và áp dụng biện pháp này sẽ có hai mặt của nó mà cơ quan áp dụng phải lưu ý, đó là: Quy định sẽ góp phần nâng cao khả năng, hiệu quả phát hiện, điều tra tội phạm, phòng chống tham nhũng, nhưng phải làm thế nào để không lạm dụng biện pháp này, không xâm phạm quyền tự do riêng tư, quyền con người là vấn đề quan trọng. Việc thu hẹp với 3 biện pháp trên là đúng nhưng trong quá trình thực hiện cũng phải cẩn thận, cân nhắc, xem đâu là trường hợp thật cần thiết, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho xã hội.
PV: Thưa ông, có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, khi áp dụng biện pháp như ghi âm, ghi hình bí mật thì người không liên quan cũng có thể bị xâm phạm?
Đại biểu Trần Văn Độ: Tôi nghĩ rằng phải có hướng dẫn thật cụ thể đối tượng và trường hợp nào, bối cảnh nào cần áp dụng, nếu áp dụng tràn lan thì người dân sẽ bị xâm phạm quyền tự do riêng tư. Luật cần quy định ngắn gọn nên quá trình triển khai, cơ quan có trách nhiệm phải hướng dẫn cụ thể ngay vì đây là chế định mới. Viện Kiểm sát phải tăng cường kiểm sát việc áp dụng những biện pháp này; Tòa án khi xét xử cũng vậy, cần xem xét các chứng cứ có trong vụ án có được thu thập theo đúng quy định hay không? Tuy nhiên, vai trò của người trực tiếp làm vẫn là quan trọng nhất. Các điều tra viên, kiểm sát viên căn cứ trường hợp cụ thể để có đề xuất áp dụng biện pháp này, tất nhiên không phải cứ đề xuất là được chấp nhận và người có trách nhiệm phải xem xét, xử lý vấn đề này.
PV: Như vậy, các biện pháp điều tra đặc biệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng trong thời gian tới, thưa ông?
Đại biểu Trần Văn Độ: Tôi tin rằng các biện pháp đó là cơ sở tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng việc chống được tham nhũng không chỉ cần đến chính sách pháp luật, mà quan trọng là quyết tâm chính trị, không phải chỉ hô hào mà là đấu tranh trên thực tế. Khi có những thông tin về tham nhũng phải làm đến nơi đến chốn, đúng quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy mới chống được tham nhũng, nếu dân phản ánh, báo chí phản ánh mà không chịu hành động rồi cứ hỏi chứng cứ đâu thì không chống được.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta phải có một thiết chế đủ mạnh, đủ thẩm quyền. Sắp tới, chúng ta sẽ sửa Luật Phòng chống tham nhũng và theo tôi, có thể thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống tham nhũng. Hiện nay đã có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng phải có cơ quan đứng bên trên nó để có thể khởi tố, điều tra và thực tế, nhiều nước đã làm. Nếu cán bộ tỉnh tham nhũng mà để tỉnh đó làm thì không hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới họ cũng có tổ chức Đảng nhưng có quyền hạn Nhà nước để phòng chống loại tội phạm này. Cùng với đó, người có trách nhiệm cũng phải có quyền có “bàn tay sạch”. Vì “sạch” thì mới “sắc” và mới chống tham nhũng được.
PV: Liên quan đến chống tham nhũng, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về việc không tử hình tội tham ô khi khắc phục cơ bản hiệu quả. Quan điểm của ông thế nào?
Đại biểu Trần Văn Độ: Theo tôi, chúng ta cần quán triệt tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, tăng tính hướng thiện và đặc biệt là phòng ngừa, xử lý tội phạm. Tôi rất đồng tình với biện pháp này, vì áp dụng hình phạt nghiêm khắc, nghiêm minh không có nghĩa cứ tử hình mới nghiêm minh. Người tham nhũng chỉ cần tù chung thân hay vài chục năm là nghiêm minh rồi. Điều quan trọng là phục hồi quan hệ xã hội bị xâm phạm, đặc biệt là tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt. Bằng bất cứ hình thức nào thu hồi lại được tài sản cũng là một trong những thành tích, hiệu quả của xử lý tội phạm. Điều đó còn mang tính nhân đạo nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!