ĐBQH Trần Văn Độ: Nhiều nội dung trong dự thảo BLHS (sửa đổi) cần được xem xét sao cho phù hợp với thực tiễn
Tiêu điểm - Ngày đăng : 23:30, 03/11/2015
Bên lề kỳ họp Quốc hội, chúng tôi đã phỏng vấn ĐB Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW - một chuyên gia trong lĩnh vực hình sự về vấn đề này.
PV: Nhiều ĐBQH, trong đó có ông không đồng tình với nhiều nội dung thay đổi của dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này. Vậy, ông có thể nói rõ hơn về điều đó không?
ĐB Trần Văn Độ: Đây là kỳ họp thứ hai Quốc hội cho ý kiến về BLHS. Lần trước, nhiều nội dung của dự thảo chúng tôi cho rằng đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến đóng góp của nhân dân, thể hiện tương đối tốt trong dự thảo. Tuy nhiên, trong vòng khoảng 3-4 tháng, từ khi có ý kiến lần thứ nhất đến bây giờ khi nghiên cứu lại toàn văn dự thảo lần này, tôi có cảm tưởng, Ban soạn thảo đã phá dỡ toàn bộ dự thảo của lần trước. Dự thảo lần trước đã được xây dựng trong vòng 2-3 năm. Vì thế nên chính sách hình sự của nước ta, chính sách hướng thiện, coi trọng phòng ngừa, chính sách giảm hình phạt tù, tăng cường hình phạt không phải tù; một số tư tưởng của Hiến pháp như nguyên tắc suy đoán vô tội, vấn đề bảo vệ quyền con người… chưa được thể hiện rõ nét trong dự thảo lần này.
Thứ nhất là mục đích hình phạt. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế Nhà nước nên tính trừng trị của hình phạt là tất yếu, không có tính trừng trị thì không thể là hình phạt. Nhưng, để lấy trừng trị làm mục đích của hình phạt, của một chính sách hình sự Nhà nước thì không hợp lý. Chúng ta dùng trừng trị để răn đe, giáo dục con người, nên bất kỳ quốc gia nào nếu lấy trừng trị là mục đích thì không ổn. Tôi nghiên cứu rất nhiều luật pháp của các nước trên thế giới thì thấy, chỉ có Việt Nam là nước duy nhất còn lại vẫn coi trừng trị là mục đích của hình phạt. Trong dự thảo lần trước, chúng ta đã bỏ điều này.
Đại biểu Trần Văn Độ
Thứ hai là biện pháp tư pháp, có hai loại biện pháp là biện pháp tư pháp hình sự và tư pháp dân sự. Trong dự thảo lần này chỉ quy định biện pháp tư pháp dân sự, biện pháp tư pháp hình sự thì không thật rõ ràng. Đối với các trường hợp người chưa thành niên phạm tội thì chỉ nói là "Các biện pháp áp dụng sau khi được miễn trách nhiệm hình sự" mà không hiểu đó là biện pháp gì - Mà đã không hiểu rõ là biện pháp gì thì rõ ràng không thể biết ai có thẩm quyền, người nào, cơ quan nào có thẩm quyền để áp dụng biện pháp đó.
Vì thế, tôi đề nghị, nếu chúng ta không quy định biện pháp chuyển hướng như dự thảo cũ thì chúng ta phải quy định đây là các biện pháp tư pháp hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Biện pháp tư pháp hình sự phải được áp dụng đối với người phạm tội và chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất áp dụng biện pháp này.
Hơn nữa, chúng ta đã thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên thì phải thiết lập quy định biện pháp tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà không phải áp dụng hình phạt. Đó là cơ sở để chúng ta quy định trình tự, thủ tục cũng như thẩm quyền của Tòa án gia đình và người chưa thành niên trong Bộ luật Tố tụng hình sự sắp tới.
Vấn đề thứ ba là về điều kiện xóa án tích: Chúng ta quay lại trong dự thảo người được xóa án tích là phải chấp hành xong tất cả các quyết định của bản án, kể cả vấn đề bồi thường thiệt hại. Nhưng trong bồi thường hiện hại, thậm chí có cấp dưỡng không phải là một lần mà cấp dưỡng cho trẻ em cho đến khi đúng 18 tuổi. Vậy, khi nào chúng ta tính được họ chấp hành xong biện pháp này?
Bên cạnh đó, có những người gây thiệt hại cực kỳ lớn phải bồi thường nhưng nhà rất nghèo, vậy khi nào người ta bồi thường xong để xóa án tích? Cho nên, tôi đề nghị chúng ta chỉ quy định, người muốn được xóa án tích thì phải chấp hành xong các quyết định về hình sự của bản án là đủ.
PV: Vậy còn quy định về các tội phạm cụ thể trong dự thảo Bộ luật, có điểm gì khác không?
ĐB Trần Văn Độ: Về phần các tội phạm cụ thể, hiện nay chúng ta quay trở lại định lượng toàn bộ tất cả các tội phạm và tôi nghiên cứu thấy hầu như lấy hướng dẫn của liên ngành về tội xâm phạm sở hữu về hậu quả, nào là chết bao nhiêu người, bị thương bao nhiêu, tài sản bao nhiêu để áp với tất cả các chương trong BLHS này. Trong khi đó, mỗi chương có một bản chất, tội phạm khác nhau, có một khách thể khác nhau.
Bên cạnh đó, có rất nhiều điều thiếu thống nhất, ví dụ tội môi giới mại dâm với người đủ 16 đến dưới 18 tuổi hình phạt từ 3 đến 7 năm tù; trong khi đó, tội cưỡng dâm cũng lứa tuổi đó chỉ phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Trong dự thảo trước có khá nhiều tội ít nghiêm trọng không quy định hình phạt tù, lần này rút lại, quay lại như Bộ luật cũ hiện nay là chưa đến 10 tội không có hình phạt tù. Tại sao chúng ta phải quay lại Bộ luật cũ, trong khi vấn đề này rất vướng trong thực tiễn?
Và còn rất nhiều vấn đề không phù hợp khác nữa bị thay đổi một cách bất hợp lý. Với tư cách là một người chuyên nghiên cứu về hình sự và hơn 30 năm áp dụng pháp luật hình sự, tôi thấy, với những quy định như vậy mà được Quốc hội thông qua lần này sẽ rất áy náy vì tính khả thi của nó. Vì vậy, tôi đề nghị cần rà soát, kiểm tra lại toàn bộ dự thảo, nếu kịp được thì ban hành lần này, nếu không thì có thể kéo dài đợt sau. Chúng ta phải cân nhắc đến lợi ích và hậu quả mà Bộ luật này sẽ mang đến trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn ông!