Tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-Bộ Công an-Bộ Quốc phòng

Tiêu điểm - Ngày đăng : 23:17, 22/09/2015

Ngày 22/9, VKSNDTC, TANDTC, BCA, BQP tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tổng kết 10 năm thực hiện TTLT số 01/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 1/7/2005 về Hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật trong công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm".

Tham dự Hội nghị trực tuyến có đại diện lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; các đơn vị liên quan của VKSNDTC và VKSND các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Tạo lập được cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về tình hình tội phạm

Tại Hội nghị, ông Trần Văn Trung, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin nêu rõ: Sau khi Thông tư liên tịch số 01/2005 được ban hành và có hiệu lực thi hành, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Qua 10 năm thực hiện, liên ngành tư pháp Trung ương đã tạo lập được cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về tình hình vi phạm và tội phạm hình sự trên phạm vi toàn quốc qua hàng năm. Từ cơ sở dữ liệu này có thể thống kê được chính xác số lượng tin báo, tố giác tội phạm xảy ra, số vụ án, bị can khởi tố, truy tố; số bị cáo bị xét xử, hình phạt được áp dụng, thiệt hại do tội phạm gây ra theo hành vi phạm tội, thống kê được tính chất tội phạm hình sự theo quy định của BLHS (tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng). Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng phân tích được cơ cấu tội phạm theo đơn vị hành chính, theo đặc điểm nhân thân của người phạm tội (tuổi, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, trình độ...) và phân tích được chính xác thời hạn giải quyết án ở mỗi giai đoạn tố tụng tương ứng với trách nhiệm giải quyết của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, vai trò, vị trí của thống kê hình sự liên ngành ngày càng được đánh giá cao, đặc biệt là trong việc phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành các cấp.

Tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-Bộ Công an-Bộ Quốc phòng

Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Ở cấp Trung ương, số liệu thống kê hình sự liên ngành được sử dụng thống nhất trong các báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC trước Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; phục vụ các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan Đảng và phục vụ cho Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Quốc phòng trong việc hoạch định chính sách, quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được phân công. Ở cấp địa phương, phần lớn số liệu thống kê hình sự liên ngành được sử dụng thống nhất trong các báo cáo của các ngành trước Hội đồng nhân dân và cấp ủy địa phương.

Do làm tốt công tác phối hợp, đối chiếu số liệu thống kê hình sự liên ngành nên phần lớn các Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành các cấp đã thực hiện nghiêm túc quy định việc tiếp ký báo cáo thống kê hình sự liên ngành, đảm bảo 100% các kỳ báo cáo thống kê đều được lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng ký, đóng dấu và gửi lên cấp trên kịp thời, đúng thời hạn quy định. Ngoài ra, số liệu thống kê hình sự liên ngành còn cung cấp cho các Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo để phục vụ trong việc nghiên cứu xây dụng pháp luật, nghiên cứu khoa học, xây dựng các báo cáo chuyên đề. Trong 10 năm (từ 2005 đến 2015), công tác thống kê hình sự liên ngành đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp cũng như trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm. Thông qua kết quả công tác thống kê hình sự, liên ngành đã phản ánh đầy đủ, khách quan, toàn diện về bức tranh toàn cảnh về tình hình tội phạm qua các năm. Đặc biệt số liệu thống kê hình sự liên ngành đã được Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Quốc phòng thống nhất sử dụng trong xây dựng Báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, báo cáo của lãnh đạo các ngành tư pháp tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân; báo cáo đột xuất và định kỳ của các cơ quan Đảng và Nhà nước khi có yêu cầu; làm cơ sở cho Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách và có kế hoạch phòng chống tội phạm có hiệu quả.

Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 01/2005

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác thu thập, tổng hợp số liệu thống kê hình sự liên ngành như việc ghi chép, cập nhật thông tin vào sổ thụ lý, sổ nghiệp vụ tại nhiều đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, kịp thời; hiện tượng bỏ lọt, bỏ sót nội dung thông tin thống kê còn xảy ra. Mặt khác, cách tính một số chỉ tiêu, cách thức thống kê chưa thống nhất trong nội bộ từng ngành và giữa các ngành với cách tính của cơ quan VKSND. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện biểu thống kê hình sự liên ngành, do có sự sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản pháp luật như: BLHS, BLTTHS, Luật Thi hành án hình sự cũng như yêu cầu phục vụ việc xây dựng các loại báo cáo của liên ngành tại các kỳ họp cùa Quốc hội, các loại báo cáo trước các cơ quan Đảng, Nhà nước khi có yêu cầu thì có một số cách thức thống kê đã lạc hậu, không còn phù hợp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị lãnh đạo liên ngành hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, biểu mẫu thống kê, cơ chế thu thập đối chiếu và báo cáo thống kê hình sự liên ngành. Các đơn vị thống kê của mỗi cơ quan cần tham mưu cho lãnh đạo liên ngành Trung ương (Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Quốc phòng) tổ chức nghiên cứu rà soát và xây dựng đồng bộ hệ thống chỉ tiêu thống kê hình sự liên ngành cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Liên ngành cần tiến hành các bước để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2005 cho phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Hàng năm, Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành cấp tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra kết quả thực hiện công tác thống kê hình sự liên ngành của các cơ quan, đơn vị cấp dưới; kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về phương pháp tính các chỉ tiêu, tiêu thức thống kê của mỗi ngành không được mâu thuẫn với phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê hình sự liên ngành. Tổ chức các Hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm; có chế độ khen thưởng biểu dương đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc và kịp thời nhắc nhở những đơn vị, cá nhân thực hiện chưa hiệu quả.

Theo ông Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành Trung ương thì lãnh đạo liên ngành Trung ương hàng năm cần dành riêng một khoản kinh phí hợp lý theo quy định tại Điểm a Mục 1 Phần III của Thông tư liên tịch số 01/2005 để phân bổ cho các Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành các cấp nhằm đảm bảo việc duy trì, hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, cần tăng cường thêm biên chế cho đội ngũ cán bộ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để khắc phục sự thiếu hụt cán bộ thống kê như hiện nay và có chính sách, chế độ phụ cấp đặc thù cho cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê nhằm kịp thời động viên, khuyến khích cho đội ngũ này tận tâm với công việc và yên tâm công tác. 

Trần Minh Giang