Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý

Tiêu điểm - Ngày đăng : 09:16, 12/07/2015

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC, TAND tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp đổi mới thủ tục HCTP trong hoạt động của Tòa án, nhằm giúp người dân dễ dàng thực hiện các quyền được pháp luật quy định.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Công lý có cuộc trao đổi với Thẩm phán Trần Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang.

PV: Trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị có đặt ra yêu cầu “đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý…”. Thời gian qua, TAND tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp. Vậy, ông có thể nói rõ về thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án?

Chánh án Trần Ngọc Quang: Theo các văn bản hướng dẫn của TANDTC, thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án được hiểu là các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của người dân trước và sau các phiên tòa xét xử và các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp. Hoạt động này bao gồm việc tiếp dân; tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển đến, đơn khiếu nại, công văn; phân công giải quyết vụ án; cấp sao lục bản án, quyết định của Tòa án; quản lý số lượng án đầu vào, đầu ra, án tồn; bố trí hội trường xét xử và thủ tục quản lý, trao đổi thông tin phục vụ cho sự chỉ đạo, quản lý các lĩnh vực công tác của lãnh đạo Tòa án các cấp.

Như vậy, các thủ tục hành chính tư pháp nằm trong hoạt động chung của Tòa án và có vai trò quan trọng trong việc bổ trợ cho các hoạt động tố tụng và hoạt động quản lý, điều hành thông suốt, thuận tiện và hiệu quả.

PV: Bước đầu, TAND tỉnh Tiền Giang đã triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp như thế nào?

Chánh án Trần Ngọc Quang: TAND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính tại Tòa án từ tháng 10/2004 cho đến nay. Theo đó, trên cơ sở rút kết kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, thụ lý, xử lý, phân công giải quyết các loại vụ việc, phát hành án văn, tài liệu và tổng hợp kết quả, chất lượng xét xử, thi hành án hình sự tại đơn vị trong những năm trước đã phát sinh nhiều bất cập, chưa mang tính khoa học, tiện lợi, còn gây nhiều phiền hà cho nhân dân. Công tác quản lý, kiểm tra điều hành gặp những khó khăn nhất định. Một số Thẩm phán được phân công án giải quyết chưa hài lòng do án dễ, án khó... thiếu sự thống nhất đồng bộ, khó kiểm soát kiểm tra, tổng hợp, giải quyết tốn nhiều thời gian...

Từ đó, lãnh đạo TAND tỉnh xác định một số công việc được xem là hành chính tư pháp để tiến hành cải cách là: Tiếp nhận và xử lý đơn, công văn; tiếp công dân tại Tòa án; Chánh án phân công các công việc và nhiệm vụ xét xử cho các Thẩm phán; công tác lưu trữ, cấp bản án; quy định rõ vai trò và nhiệm vụ các chức danh tại Tòa án; đào tạo, sử dụng, áp dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ... Với mục tiêu là xây dựng một Tòa án công khai, minh bạch, vô tư, công bằng, hiệu quả, dễ tiếp cận cho nhân dân, được nhân dân tôn trọng và tin tưởng.

PV: Ông có thể cho biết kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp mà TAND tỉnh Tiền Giang đã đạt được trong thời gian qua?

Chánh án Trần Ngọc Quang: Kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động Tòa án trong thời gian qua đã giúp cho lãnh đạo đơn vị phát huy vai trò lãnh đạo trên tất cả các mặt công tác, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ công chức TAND tỉnh. Đồng thời góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu thi đua hàng năm. Tỷ lệ giải quyết án ở mức cao, tạo sự thuận lợi, khoa học trong bố trí công việc, tiếp nhận, xử lý đơn, hồ sơ, lưu trữ cấp phát án văn quyết định cho các cơ quan tố tụng và đương sự.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý

Thẩm phán Trần Ngọc Quang

Mọi công việc đều được tập trung vào đầu mối. Do đó, khi có nhu cầu hay thông tin, tổng hợp chỉ cần liên hệ với bộ phận nghiệp vụ là có kết quả, tạo sự thuận tiện cho nhân dân khi đến liên hệ với Tòa án. Từng bước đã tạo được lòng tin của nhân dân khi đến Tòa án trong thời gian qua và từ khi triển khai đến nay chưa có đơn thư phản ánh về phong cách làm việc, thời gian chờ đợi của công dân đối với bộ phận nghiệp vụ của Tòa án.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động Tòa án của đơn vị mình?

Chánh án Trần Ngọc Quang: Từ công tác tổ chức sắp xếp, công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị... đến việc phân công giải quyết các loại vụ việc, thống kê tổng hợp, quản lý số lượng, tình hình thụ lý, giải quyết các loại vụ việc đã được tập trung vào một đầu mối do cán bộ đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ đảm trách.

Các loại biểu mẫu, trình tự, thủ tục đều được công khai, hướng dẫn cho nhân dân để tránh việc thiếu sót phải làm đi làm lại nhiều lần mất thời gian, tránh được tình trạng lợi dụng để nhũng nhiễu người dân khi thực hiện các quyền được pháp luật quy định trước tòa án.

Việc cấp, sao lục quyết định bản án… cho người dân đối với những trường hợp có đầy đủ thông tin thì kết quả theo yêu cầu sẽ được đáp ứng trong thời gian từ 15-30 phút. Điều này khắc phục được tình trạng mất thời gian nhiều như trước đây khi phải trải qua nhiều giai đoạn từ tiếp nhận đơn, chuyển thẩm phán xét xử có ý kiến, chuyển lưu trữ tìm bản gốc cho Thẩm phán sao y rồi mới cấp cho đương sự.

Thái độ của cán bộ công chức của các tòa án khi làm việc đều tận tình hướng dẫn, chu đáo theo đúng chuẩn mực quy tắc ứng xử của người cán bộ Tòa án đối với người dân khi đến Tòa án thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo pháp luật quy định.

Công tác quản lý, điều hành tại tòa án được tập trung, nhanh gọn, khoa học và giải quyết kịp thời các công việc cần thiết.

PV: Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, đơn vị sẽ có những định hướng gì về công tác đổi mới thủ tục cải cách thủ tục hành chính?

Chánh án Trần Ngọc Quang: Những kết quả đạt được trong chất lượng và hoạt động xét xử, giải quyết các loại vụ việc tại tòa án nhìn chung đã mang lại hiệu quả được đánh giá tích cực, được người dân đồng tình.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn một số ít hạn chế mà đơn vị đã thấy được và sẽ tiếp tục củng cố, bổ sung, khắc phục kịp thời để đảm bảo phục vụ nhân dân trong thời gian tới sẽ tốt hơn. Đồng thời, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Tòa án được giao, đáp ứng được yêu cầu về thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang sẽ từng bước khắc phục, bổ sung những hạn chế để hoàn thiện hơn, nhanh gọn, hiệu quả hơn thông qua việc không ngừng ứng dụng về công nghệ thông tin nhằm công khai, minh bạch, cung cấp đầy đủ, kịp thời những nhu cầu của người dân khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ tại Tòa án, dễ dàng tiếp cận công lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Vũ (thực hiện)