Đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết vụ, việc dân sự theo thủ tục rút gọn
Tiêu điểm - Ngày đăng : 10:52, 30/06/2015
Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào đã chủ trì Hội thảo.
Phức tạp và tốn kém không cần thiết
Pháp luật tố tụng dân sự (TTDS) Việt Nam luôn đặt ra những quy định về trình tự tố tụng chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu xét xử khách quan, công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan đến tranh chấp. Tuy nhiên, những quy định chặt chẽ đó vô hình chung đã hình thành nên những thiết chế tố tụng phức tạp, khó tuân thủ và gây tốn kém. Điều này khiến cho Thẩm phán và cả đương sự đều mong muốn có một thủ tục đơn giản, thuận tiện và ít tốn kém hơn cho những vụ án đơn giản, có giá trị tranh chấp nhỏ.
Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào phát biểu tại Hội thảo
Xét ở góc độ thực tiễn và khoa học, để hạn chế phần nào những bất cập của thủ tục xét xử thông thường đối với những loại vụ án này, cần xây dựng chế định về xét xử theo thủ tục rút gọn là một giải pháp cần thiết.
Kinh nghiệm nhiều quốc gia trong giải quyết các vụ việc dân sự cũng cho thấy, thủ tục rút gọn là một trong những công cụ hữu ích của người dân cũng như Tòa án trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức một cách nhanh gọn, hiệu quả. Pháp luật nhiều nước ở các hệ thống pháp luật khác nhau đều quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự như: Anh, Đức, Mỹ, Nhật, Trung Quốc...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho biết: Thực tiễn Việt Nam hiện nay đã và đang đặt ra vấn đề về sự cần thiết phải quy định thủ tục rút gọn tại Tòa án để giải quyết những tranh chấp dân sự, trong những trường hợp cần thiết, làm sao vừa phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, vừa tối đa giải quyết các yêu cầu thực tiễn tăng cường bảo vệ cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp.
Trong khuôn khổ của dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, Tiểu dự án Viện KHXX, TANDTC tiến hành thực hiện báo cáo “Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án Việt Nam”. Mục đích nghiên cứu nhằm trợ giúp TANDTC trong việc thông qua việc đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng thông thường tại Tòa án; so sánh đối chiếu các quy định về thủ tục tố tụng dân sự thông thường của Việt Nam với pháp luật tố tụng dân sự nước ngoài có quy định thủ tục rút gọn; đưa ra những khuyến nghị đề xuất cụ thể để hoàn thiện những quy định của thủ tục tố tụng dân sự và cơ chế, mô hình về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Những đề xuất từ thực tiễn
Theo quy định của Bộ luật TTDS, thủ tục tố tụng thông thường hiện nay được Tòa án áp dụng để giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự kéo dài từ 4-6 tháng. Tại TAND, chỉ có một thủ tục tố tụng chung và duy nhất cho việc giải quyết tất cả các loại tranh chấp dân sự theo quy định của BLTTDS.
Nhiều Thẩm phán TAND tại Việt Nam cho biết, không ít những vụ án có chứng cứ rõ ràng, nội dung tranh chấp đơn giản, bị đơn thừa nhận hoặc không phản đối yêu cầu của nguyên đơn, vụ án có giá ngạch thấp nhưng vẫn phải giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng thông thường gây mất thời gian, tiền bạc, công sức của cơ quan tố tụng và các đương sự. Hơn nữa, rất nhiều các vụ án bị đơn cố tình không thực hiện nghĩa vụ, lạm dụng quyền kháng cáo để kéo dài thời gian giải quyết vụ án, góp phần làm cho tình trạng án tồn đọng kéo dài.
Mặt khác, theo quy định của Bộ luật TTDS, các bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng cáo, hoặc kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây là quy định chỉ phù hợp với những tranh chấp có tính chất phức tạp, giá trị tài sản lớn, đòi hỏi Tòa án phải tiến hành rất nhiều thủ tục tố tụng như xác minh, thu thập chứng cứ... Tuy nhiên, đối với những vụ án có tính chất đơn giản, bị đơn thừa nhận yêu cầu của nguyên đơn, giá trị tranh chấp thấp, Tòa án hiếm khi gặp sai lầm trong nhận định vụ việc và áp dụng pháp luật. Qua khảo sát cũng cho thấy, có đến 57,8% ý kiến được hỏi cho rằng thủ tục và thời hạn tố tụng còn rườm rà; 1,6% cho rằng còn kéo dài về thời gian. Về vấn đề có nên quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự hay không, qua khảo sát cho thấy có đến 98,7% số người được hỏi cho rằng cần thiết phải quy định và chỉ có 1,3% ý kiến còn lại cho rằng không cần phải quy định thủ tục này.
Do vậy, hướng đề xuất khuyến nghị xây dựng mô hình giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án Việt Nam theo hướng: Tòa án cấp quận, huyện và các Tòa chuyên trách của TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ việc dân sự. Thành phần giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục rút gọn chỉ bởi một Thẩm phán. Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên (KSV) không tham gia giải quyết, xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn.
Hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự thì phiên giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục rút gọn cần có KSV tham gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, KSV tham gia những loại vụ án này là không cần thiết, vì những vụ việc này khá đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá trị tranh chấp nhỏ. Theo quy định của nhiều nước trên thế giới, KSV cũng không tham gia trong giải quyết các vụ án theo thủ tục rút gọn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 83,8% người được hỏi cho rằng không cần có sự tham gia của VKS trong xét xử theo thủ tục rút gọn.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất, bổ sung một số vụ việc vào thủ tục rút gọn như: Tuyên bố mất tích, công nhận thuận tình ly hôn hay tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu...