Phía sau thương vụ mời Man City của bầu Hiển

Thể thao - Ngày đăng : 16:04, 16/07/2015

Là người kinh doanh, bầu Hiển đương nhiên có sự tính toán rất kỹ trước khi đưa ra lời mời với Man City. Đây thực chất là một vụ PR tốn kém của bầu Hiển, nhưng chắc chắn ông bầu này sẽ không lỗ...

Trước tiên, cần phải thừa nhận kế hoạch mời Man City sang Việt Nam đã được bầu Hiển ấp ủ bấy lâu nay. Vì sao bầu Hiển không mời những đội bóng khác mà lại là Man City?

Câu trả lời nằm ở vấn đề tài chính cũng như mối quan hệ. Ở giải Ngoại hạng Anh, Man City là một trong 4 ông lớn, cùng với M.U, Chelsea và Arsenal. Trong 4 đội bóng này, việc mời được M.U và Chelsea sẽ cực kỳ tốn kém, trong khi Arsenal lại là đối tác của bầu Đức và đã từng sang Việt Nam năm 2013.

Có thêm một yếu tố may mắn trong vụ mời Man City sang Việt Nam, đó chính là nếu Indonesia không bị FIFA “cấm vận”, đội bóng Man xanh chắc chắn sẽ không chuyển hướng tới Việt Nam vào phút chót. 

Phía sau thương vụ mời Man City của bầu Hiển

Bầu Hiển có "tính toán" kỹ trong thương vụ Man City

Man City không phải là đội bóng có nhiều người hâm mộ, nhưng với 2 chức vô địch giải Ngoại hạng Anh gần đây, cùng với cái tên gắn với thương hiệu thành Manchester, cũng đủ để bầu Hiển thu lợi nếu có sự hợp tác mang tính chiến lược.

Bầu Hiển là người nhìn xa, trông rộng. Vụ mời Man City sang Việt Nam không đơn thuần chỉ là một trận giao hữu, hay những hoạt động mang tính cộng đồng của đội bóng nửa xanh thành Manchester.

“Man City ký hợp tác quan hệ với chúng tôi từ hơn 1 năm qua. Họ sẽ khảo sát nghiên cứu hoạt động SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T, để tiến tới hợp tác trong lĩnh vực, không chỉ bóng đá trẻ. Tôi đề nghị đào tạo cấp quản lý, công tác quản lý, huấn luyện của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, bao gồm maketing, kinh doanh, thương hiệu, truyền thông để lôi kéo khán giả tới sân. Man City hiện nay đang phát triển bóng đá trên toàn cầu. Vừa rồi họ có mua cổ phần lớn từ các CLB tại Nhật Bản, Úc, Mỹ và đang có giao dịch mua một CLB của Ấn Độ, Trung Quốc. Như vậy, chiến lược kinh doan của Man City là rất lớn. Tôi đã mời họ rằng, Việt Nam là thị trường rất tốt, có 90 triệu dân”, bầu Hiển chia sẻ.

Về chuyện lỗ hay lãi từ vụ mời Man City, bầu Hiển nhấn mạnh: “Trận đấu này còn được tổ chức với mục đích phục vụ người dân, phục vụ cộng đồng nên nhà tài trợ có thể chấp nhận hòa hoặc lỗ vốn mà không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu”.

Trong giới kinh doanh, tất cả đều biết kế hoạch mời Man City của bầu Hiển thực chất là vụ PR tốn kém. Trong những năm qua, hàng loạt các ngân hàng đã có hợp tác với đội bóng tên tuổi nước ngoài, cầu thủ nổi tiếng hoặc cựu danh thủ, để phát hành thẻ đồng thương hiệu, nhằm mở rộng thị trường, SHB của bầu Hiển cũng không phải là một ngoại lệ. Thậm chí, trước khi ký hợp đồng với Man City về chuyến du đấu, bầu Hiển và đội bóng thành Manchester đã ký hợp tác với nhau từ năm 2014.

Bầu Hiển luôn nhấn mạnh, việc Man City sang Việt Nam sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển. Nhưng thực tế, với nhiều người, đó chỉ là viển vông. Các tên tuổi lớn của bóng đá thế giới khi sang Việt Nam, luôn đặt mục đích lợi nhuận lên hàng đầu, cùng với đó là một chiến dịch PR thương hiệu, tăng số lượng CĐV để bán sản phẩm. Vụ Arsenal sang Việt Nam năm 2013 là minh chứng rõ nhất, với sản sản phẩm “Running Man” đã được cả thế giới biết đến.

Sau chuyến du đấu nổi đình đám của Arsenal, bóng đá Việt Nam có phát triển hay chí ít là học hỏi được sự chuyên nghiệp từ đội bóng nước Anh? Câu trả lời đã quá rõ!.

Song, bất chấp việc Man City và bầu Hiển đều đặt mục đích PR lên hàng đầu, bất chấp việc bóng đá Việt Nam không thể thay đổi chỉ sau một chuyến du đấu ngắn ngày, thì việc một đội bóng lớn đến Việt Nam vẫn là một tin đáng vui mừng, bởi chắc chắn với giá vé rất cao, nhiều người hâm mộ vẫn sẽ đội nắng, đội mưa xếp hàng mua vé vào sân xem các thần tượng bằng xương, bằng thịt của mình.

Tuấn Kiệt