Phải quy trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai
Chính trị - Ngày đăng : 22:55, 18/09/2012
67% khiếu nại của dân về quyết định hành chính đúng
Theo Chủ nhiệm UBKT, Trưởng đoàn giám sát QH Nguyễn Văn Giàu, trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: Khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70%; Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Khảo sát thực tế tại tỉnh Quảng Trị cho thấy: Trong số các khiếu kiện về các quyết định hành chính về đất đai đã giải quyết thì có khoảng 30% các khiếu nại, tố cáo đúng, 40% các khiếu nại, tố cáo vừa đúng vừa sai, 30% KNTC sai. Tỉnh Hậu Giang: Khiếu nại sai 60%; vừa đúng vừa sai: 40%. Cần Thơ năm 2004: khiếu nại vừa đúng vừa sai: 42%, sai: 58%.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp
Qua giám sát cho thấy, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại TAND các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử. Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót...
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm UBTP QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng, qua những con số thống kê của các cơ quan Tư pháp và Tòa án như trên thấy rằng, tỷ lệ dân khiếu nại đúng đến 67,2%, như vậy đồng nghĩa với việc từng ấy văn bản (bị khiếu nại) được cơ quan nhà nước ban hành sai. Từ trước đến nay, ít có lĩnh vực nào cơ quan hành chính nhà nước làm sai nhiều đến thế, trong khi đất đai là vấn đề rất quan trọng.
Thực tế, sau khi có Luật Đất đai, việc ban hành hàng ngàn văn bản hướng dẫn thi hành lại giao cho các địa phương. Nhưng những năm qua, chưa có thống kê, đánh giá những loại văn bản này ban hành có đúng quy định của pháp luật hay không? Trong khi chính những văn bản sai này là nguyên nhân đẩy tình trạng khiếu nại, tố cao tăng cao. Đây cũng là bất cập mà chúng ta cần có biện pháp tháo gỡ.
Phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai chủ yếu do: Chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể; Các chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm có những thay đổi theo hướng có lợi cho người dân gây so bì về quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại thời điểm trước và sau khi có chính sách mới; Giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch lớn giữa giá Nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân; giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn có sự khác biệt, chênh lệch lớn, có một số nơi chênh lệch quá lớn…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, mấu chốt vẫn là cán bộ thực thi công vụ và thực trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay cũng đang có vấn đề cần phải xem xét lại. Luật quy định trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Chủ tịch UBND các cấp nhưng thực tế các địa phương lại giao cho các cơ quan như Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra thực hiện. Qua thực tế của ngành Tòa án cũng cho thấy những vụ án hành chính, lẽ ra phải đích thân Chủ tịch UBND tham gia phiên tòa nhưng thường ủy quyền cho cán bộ các phòng, ban đại diện. Nên việc giải quyết những khiếu nại của người dân không triệt để, họ lại tiếp tục hành trình khiếu kiện.
Ở góc nhìn khác, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện đặt vấn đề, có việc tham nhũng là nguyên nhân khiếu nại về đất đai gia tăng hay không? Đánh giá thực tế cho thấy lĩnh vực đất đai cũng là mảnh đất màu mỡ cho tình trạng tham nhũng xảy ra. Do đó, các chính sách về quản lý đất đai cần chặt chẽ, không còn kẽ hở.
Các đại biểu cũng cho rằng, phải làm rõ những tồn tại trong việc ban hành các quyết định hành chính sai, cấp nào sai, phạm vi đến đâu (thu hồi, đền bù hay cưỡng chế đất…) từ đó, quy ra trách nhiệm của cá nhân và cơ quan ban hành văn bản sai và hướng xử lý. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì quyết định đó do chính Chủ tịch UBND các cấp ban hành, khi giải quyết lại đẩy cho cấp dưới thì không thể triệt để vấn đề cần tháo gỡ.
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý nhấn mạnh, phải xác định rõ, đối tượng giám sát tối cao phải là Chính phủ, rồi đến các Bộ, ngành và các cơ quan khác. Khiếu nại nhiều lý do vì sao, trách nhiệm cá nhân đến đâu? Do những yếu tố khác như các văn bản hướng dẫn luật “vênh” nhau như thế nào? Phải có đánh giá cụ thể từng mảng, nhóm đối tượng chứ không thể “có cố gắng tiến bộ” nhưng vẫn sai đến 70%.
Quốc Huy