Tòa án không được quyền từ chối vụ việc dân sự của người dân
Tiêu điểm - Ngày đăng : 16:27, 23/05/2015
Nhà nước phải đáp ứng yêu cầu của nhân dân
Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; vai trò của VKS trong tố tụng dân sự; Vấn đề tranh tụng trong xét xử v.v... là nội dung được nhiều ĐB quan tâm, thảo luận.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng, như quy định tại Điều 4 Dự thảo luật sửa đổi là cần thiết.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu đồng tình cao về qui định Tòa án không được quyền từ chối vụ việc dân sự của đương sự. ĐB cho rằng, mặc dù Tòa án sẽ gặp khó khăn khi giải quyết những trường hợp như vậy, vì dân sự là “mênh mông”, rất nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống xã hội có thể phát sinh, nhưng không thể vì lấy lý do không có điều luật áp dụng mà từ chối yêu cầu của họ, đẩy khó sang cho của dân.
ĐB Nguyễn Kim Khoa phát biểu
ĐB Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng: Đây là quy định tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu nhà nước phải phục vụ nhân dân, đáp ứng được quyền của người dân, không phải do không có điều luật quy định mà chúng ta lại từ chối giải quyết các vụ việc của người dân. “Vì dân không thể hiểu hết luật pháp, chỉ khi có việc thì họ đến kêu ở Tòa án thôi, nếu quy định như Dự thảo luật sửa đổi thì buộc Tòa án phải làm, đáp ứng yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước phải có tinh thần phục vụ nhân dân. Chỉ có điều phải quy định thế nào để thực hiện được thì là vấn đề khác…” - ĐB nhấn mạnh.
ĐB Trương Hòa Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An (Chánh án TANDTC) phát biểu
ĐB Trương Hòa Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An (Chánh án TANDTC) cho rằng, việc bổ sung quy định Tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng tại Điều 4 dự thảo là cần thiết để đảm bảo thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, thì đối với những vụ việc đơn giản, Tòa án có thể áp dụng tinh thần Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của Luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật để giải quyết vụ án. Còn đối với những vụ việc phức tạp mà Tòa án không thể giải quyết ngay được có thể kiến nghị với Quốc hội, UBTVQH xem xét.
ĐB Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh, quy định như vậy thống nhất với BLDS đang trình Quốc hội; hơn nữa việc pháp luật quy định chưa cụ thể về vấn đề tranh chấp là trách nhiệm của Nhà nước, Tòa án không giải quyết thì không bảo đảm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Cũng về vấn đề này, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phân vân: Nếu áp dụng như Điều 4 dự thảo luật sửa đổi, quy địnhTòa án không được từ chối giải quyết các vụ việc dân sự khi không có điều luật quy định thì có phù hợp với tinh thần nhà nước và công dân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hay không? Có dẫn đến sự tùy tiện hoặc cách hiểu khác nhau, cách vận dụng khác nhau dẫn đến cách xét xử khác nhau, kết cục người “được” thì phấn khởi, người “thua” thì không chịu, từ đó dẫn đến khiếu kiện kéo dài hay không?
Tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự
Về việc tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự (quy định tại Điều 22 dự thảo luật sửa đổi), các ý kiến cho rằng quyền tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án chỉ thụ lý để giải quyết những vụ việc dân sự khi có yêu cầu và chỉ giải quyết trong phạm vi khởi kiện, yêu cầu của đương sự.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì Viện kiểm sát nhân dân tham gia hầu hết các phiên tòa sơ thẩm, nhưng chỉ phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án mà không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án.
Với vai trò như vậy, việc Viện Kiểm sát nhân dân tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm là không cần thiết, bởi lẽ Viện kiểm sát nhân dân có thể thực hiện quyền kiểm sát của mình thông qua kiểm tra hồ sơ vụ án.
ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng: Sự tham gia của Viện Kiểm sát đối với các vụ án dân sự, mà dân sự về bản chất “việc dân sự cốt ở đôi bên”, nên sự tham gia trong vụ án cần phải cân nhắc. Vì cái quan trọng nhất là ý chí của các bên, trong khi Viện Kiểm sát là cơ quan thực hiện quyền công tố, tham gia phiên tòa có lẽ là không hợp lý. “Viện Kiểm sát chỉ nên thực hiện tốt chức năng công tố trong xét xử vụ án hình sự, không nên đưa Viện Kiểm sát như là một chủ thể của vụ án dân sự...”- ĐB Thông nêu quan điểm.
Liên quan đến nội dung về việc đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, Hiến pháp 2013 và NQ 08-NQ-TW/2002 đã quy định về nguyên tắc tranh tụng cần được đảm bảo và “việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ”. Do vậy, cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo là cần thiết. Vậy nên nhất trí với dự thảo Bộ luật, vì “tranh tụng trong xét xử” cần hiểu không chỉ là việc tranh luận tại phiên tòa mà là quá trình tố tụng để các đương sự trong vụ án thực hiện việc thu thập, trình bày, cung cấp tài liệu, chứng cứ; tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác kể từ khi Tòa án nhận đơn khởi kiện; đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng trong quá trình Tòa án xem xét, giải quyết vụ án.