Dự án BLTTDS (sửa đổi): Giải pháp khắc phục tình trạng tồn đọng đơn giám đốc thẩm
Tiêu điểm - Ngày đăng : 06:45, 11/03/2015
Nội dung này tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau trong phiên thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa qua, nhưng nhìn chung, đây là điểm mới đáng kể, được đánh giá là tiến bộ và khả thi, khắc phục tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan như hiện nay.
Cần thiết phải thu lệ phí giám đốc thẩm
Theo quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án BLTTDS (sửa đổi) thì thực tiễn 10 năm thi hành BLTTDS cho thấy, nhiều quy định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các vụ việc dân sự (như các quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án chưa hợp lý; quy định về chứng cứ, cung cấp chứng cứ và quyền tiếp cận chứng cứ, thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm chưa đảm bảo tranh tụng trong xét xử; căn cứ, thẩm quyền kháng nghị trong thủ tục giám đốc thẩm chưa thực sự phù hợp).
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) có 37 chương, 477 điều. So với Bộ luật hiện hành, BLTTDS (sửa đổi) giữ nguyên 233 điều, sửa đổi 177 điều, bổ sung 37 điều, bãi bỏ 10 điều...
Khi thẩm tra dự án Luật này, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội và nhiều ý kiến khác cũng đã đánh giá, dự án Luật đã cụ thể hóa được nhiều quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND 2014, cơ bản đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Về quy định mới việc nộp lệ phí giám đốc thẩm, dự thảo quy định: Trong thời hạn ba tháng kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu đương sự có đơn đề nghị giám đốc thẩm và nộp lệ phí (hoặc thuộc trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, lệ phí) thì Tòa án, VKS xem xét, giải quyết đơn của đương sự trong khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng kể từ ngày thụ lý đơn. Nếu trong thời hạn một năm mà đương sự có đơn nhưng không nộp lệ phí giám đốc thẩm thì Tòa án, VKS sẽ xem xét đơn trong thời hạn ba năm.
Tại phiên họp thẩm tra, có ý kiến cho rằng, nếu đặt ra khoản lệ phí như vậy chưa hẳn phù hợp và không thể quy định mức phí quá lớn được và hạn chế quyền của đương sự.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, quá trình soạn thảo sửa đổi Bộ luật, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định đương sự có đơn đề nghị giám đốc thẩm phải nộp lệ phí, án phí Tòa án nhằm gắn kết quyền và ràng buộc trách nhiệm của đương sự trong việc nộp đơn.
Việc thu lệ phí xét đơn giám đốc thẩm không hạn chế quyền công dân. Vì quyền công dân phải gắn với nghĩa vụ, bởi khi thụ lý đơn giải quyết vụ việc thì cả bộ máy Nhà nước phải vận hành. Bên cạnh đó, việc tính toán đến lệ phí nhằm tránh tình trạng đề nghị kháng nghị tràn lan; gắn trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân theo hướng có án phí. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng cho thấy, việc xét đơn đề nghị giám đốc thẩm phải căn cứ việc nộp lệ phí để giải quyết. Một khía cạnh khác là, đặt vấn đề xem xét đơn giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm phải có căn cứ vì thực tế có trường hợp gửi đơn giám đốc thẩm là nhằm trì hoãn thi hành án. Do đó, việc quy định lệ phí giám đốc thẩm sẽ là một trong những giải pháp giảm tình trạng quá tải, tồn đọng đơn xin giám đốc thẩm hiện nay.
Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định giám đốc thẩm
Về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (HĐTP TANDTC), Nhóm nghiên cứu tán thành với loại ý kiến thứ nhất mà dự thảo Bộ luật thể hiện theo hướng này là: Tiếp tục giữ quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC trong BLTTDS hiện hành, nhưng không quy định HĐTP TANDTC hủy, sửa quyết định của mình mà chỉ kết luận trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Vấn đề này đã được Quốc hội khóa XII xem xét kỹ lưỡng khi thông qua BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011. Đây là cơ chế đặc biệt nhằm khắc phục thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với trường hợp qua giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như giải quyết khiếu nại của TANDTC mà có căn cứ khẳng định: Quyết định của HĐTP TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng do BLTTDS 2004 không có quy định cơ chế khắc phục nên không xử lý được.
Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC và xem xét việc bồi thường, các ý kiến cho rằng, việc quy định cơ chế cho phép HĐTP TANDTC xem xét lại quyết định của mình là phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với Luật Tổ chức TAND 2014...
Theo Chánh án Trương Hòa Bình, chúng ta có nguyên tắc xét xử giám đốc thẩm, Hiến pháp cũng quy định quyết định của HĐTP TANDTC là quyết định cuối cùng, nhưng qua nhiều kỳ Quốc hội có đặt vấn đề, nếu như có oan sai mà dân kêu có xem xét lại hay không? Quốc hội khóa XII cũng đã đưa ra cơ chế đặc biệt này khi sửa đổi BLTTDS năm 2011. Trước đây, khi chưa có quy định này, TANDTC đã xem xét một số vụ án mà Ủy ban Tư pháp có kiến nghị cho thấy, có hai vụ án dân sự, quyết định của HĐTP TANDTC có vấn đề chưa phù hợp nhưng chưa có cơ chế để giải quyết. Nhưng từ khi có Luật sửa đổi từ 2011 đến nay, TANDTC chưa có vụ nào có vi phạm để xem xét lại.