Kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết các tranh chấp về lao động
Tiêu điểm - Ngày đăng : 23:45, 03/03/2015
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân chủ trì hội nghị.
Hội thảo do Ủy ban châu Âu, Chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển đồng tài trợ. Mục đích của hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp lao động và đề xuất mô hình tố tụng lao động cho Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra hiện nay
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân cho biết, việc giải quyết các tranh chấp lao động hiện nay đang được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và Luật Lao động. Thực tiễn thi hành các quy định của BLTTDS 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 cho thấy, một số quy định của Bộ luật này không còn phù hợp với thực tiễn cũng như đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác chưa có đầy đủ các quy định về cơ chế phối hợp với các tổ chức, cá nhân có chức năng bổ trợ tư pháp hoặc có nghiệp vụ sâu về lĩnh vực đang tranh chấp cũng như một số bất cập khác nên đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết các vụ việc dân sự, trong đó có vụ việc lao động.
Để khắc phục những bất cập của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, hiện nay TANDTC được giao soạn thảo BLTTDS sửa đổi. Một trong những công việc hết sức quan trọng của quá trình soạn thảo Bộ luật này là tổng kết công tác giải quyết các vụ án lao động trong thời gian qua và tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất mô hình giải quyết tranh chấp lao động phù hợp với điều kiện và thực tiễn nước ta, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội.
Đứng trước yêu cầu này, Chương trình đối tác tư pháp, Hợp phần TANDTC đã thực hiện báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp lao động và đề xuất mô hình tố tụng lao động cho Việt Nam nhằm làm tài liệu tham khảo cho việc xây dựng thủ tục tố tụng lao động phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Báo cáo này phân tích kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp lao động của một số nước như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Nga, Nam Phi và Vương quốc Anh.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Thuân đề nghị các chuyên gia, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ và rút ra những kinh nghiệm quý báu trong việc hoàn thiện các thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động của Việt Nam trong thời gian tới.
Cải cách mô hình tố tụng
Theo số liệu của Vụ Thống kê - Tổng hợp TANDTC, số lượng các vụ án tranh chấp lao động Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết từ năm 2005 đến năm 2014: Tòa án cấp huyện thụ lý 21492 vụ, giải quyết được 21089 vụ, chiếm 98,12%; Tòa án cấp tỉnh thụ lý được 1.208 vụ, giải quyết 1186 vụ, chiếm 98,18%. Riêng 3 tỉnh, thành phố phía Nam là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, tỷ lệ án lao động năm 2010 bằng 55% tổng số vụ án của cả nước; năm 2011 bằng 69% tổng số án của cả nước; và năm 2012 bằng 86% tổng số án của cả nước.
Tranh chấp lao động vẫn có xu hướng ngày càng tăng, nhưng không đồng đều giữa các địa bàn lãnh thổ và khu vực kinh tế. Tranh chấp lao động xảy ra chủ yếu ở các địa phương là địa bàn kinh tế công nghiệp, dịch vụ phát triển; đặc biệt là những địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Chính vì vậy, các vụ việc về lao động đưa đến Tòa án cũng chỉ tập trung chủ yếu ở các địa phương này.
Loại việc tranh chấp phổ biến vẫn là tranh chấp về kỷ luật sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, trợ cấp và bảo hiểm xã hội. Từ cuối năm 2011, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp phải sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm lao động, nên số vụ tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động, về trợ cấp thôi việc và bảo hiểm xã hội tăng đột biến.
Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, trong đó các quy định về đình công, thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công đã có một số nội dung sửa đổi, bổ sung. Theo dự báo, trong thời gian tới có thể sẽ có các việc yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công đưa đến Tòa án.
Trong thực tế vì chưa có việc yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công nào được Tòa án đưa ra xem xét, nên chưa phát sinh vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế những trường hợp Tòa án đã nhận đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công từ năm 2008 đến nay, nhận thấy các Tòa án đều rất lúng túng khi xem xét các điều kiện thụ lý đơn yêu cầu. Có trường hợp Tòa án đã thụ lý, sau đó phải ra quyết định đình chỉ và trả lại đơn yêu cầu vì không đủ điều kiện thụ lý. Khi trả lại đơn yêu cầu, Tòa án nêu không đầy đủ và thiếu chính xác lý do, căn cứ trả lại đơn yêu cầu, nên dẫn đến việc đương sự khiếu nại gay gắt.
Có thể nói BLTTDS đã góp phần rất lớn trong việc tạo ra khung pháp lý vững chắc cho hoạt động tố tụng, từ đó nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, trong đó có các vụ án và yêu cầu về lao động. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các quy định của BLTTDS 2004 (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2011) đã cho thấy một số quy định của Bộ luật này không còn phù hợp với thực tế cũng như đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.
Cụ thể, vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc giải quyết các tranh chấp và yêu cầu về lao động còn rất hạn chế, mờ nhạt. Thực tiễn về việc tham gia tố tụng tại Tòa án của đại diện Công đoàn cho thấy, cán bộ công đoàn hầu hết là không chuyên trách, đều là người làm công hưởng lương của chủ doanh nghiệp, chịu sự phụ thuộc nên dễ tự ti, e ngại nếu thẳng thắn nêu những vấn đề cần trao đổi, sợ bị chủ doanh nghiệp trù dập, kiếm cớ để sa thải. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chưa thật sự đặt hết niềm tin vào tổ chức Công đoàn để nhờ họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi việc tranh chấp phải ra Tòa án giải quyết;...
Hội thảo cũng đã nghe ông Simon Deakin và Zoe Adams đến từ Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh trình bày báo cáo kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết tranh chấp lao động của một số nước trên thế giới. Báo cáo này đánh giá kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết các tranh chấp lao động, trong đó tập trung vào vai trò của Tòa Lao động và các hình thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác tại một số quốc gia trên thế giới. Đồng thời xem xét vai trò của các tổ chức Công đoàn, hiệp hội người sử dụng lao động và các tổ chức xã hội dân sự cũng như hệ thống các cơ quan thanh tra lao động. Báo cáo được thực hiện theo yêu cầu của Chương trình Đối tác tư pháp trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét, đề xuất cải cách mô hình tố tụng lao động.
Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, đại biểu đến từ các nước và nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam về giải quyết tranh chấp lao động. Từ đó đề xuất mô hình tố tụng giải quyết các tranh chấp lao động tại Việt Nam hiện nay.