Chánh án Phạm Văn Bạch - Những kỷ niệm khó quên
Tiêu điểm - Ngày đăng : 07:00, 23/02/2015
Sắp tới, kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945 -13/9/2015), tôi xin kể lại một vài kỷ niệm khó quên về vị Chánh án TANDTC đầu tiên của nước ta.
Năm 1961, học xong lớp nghiệp vụ 6 tháng tôi được Chánh án Phạm Văn Bạch đặc cách cho vào học khóa 2 (1962 - 1964) đào tạo cán bộ trung - cao cấp pháp lý do chuyên gia Liên Xô trực tiếp giảng dạy ở trường Cán bộ Tòa án (nay là trường Đại học Luật). Có lần, Chánh án vỗ vai bảo tôi: “Chú còn trẻ, thông minh, cố gắng học để phục vụ Tòa án được lâu dài…”. Được Chánh án khích lệ, động viên như thế chúng tôi rất phấn chấn. Sau đó, được Chánh án chọn cử đi học nước ngoài, nhưng không gặp may, vì địa phương quá thiếu cán bộ, nguyện vọng ấy không thực hiện được.
Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch tiếp Chánh án TATC Liên Xô (cũ) nhân đoàn sang thăm Việt Nam
Tháng 12/1975, khi tôi đang là Thẩm phán tỉnh thì nhận Quyết định do Chánh án Phạm Văn Bạch ký, điều về đơn vị tổng hợp thuộc Văn phòng TANDTC. Nhiệm vụ thì lớn, song biên chế chỉ có 5 người, ngoài việc đi các Tòa án địa phương, cả 5 người phải căng ra thay nhau đọc báo cáo, đọc bản án, rồi viết tổng kết theo sự phân công. Tôi nhớ, trong đó có anh Vũ Tá Lân, Phó Chánh văn phòng và anh Phạm Đình Hành chuyên viên, cả hai đều đã kinh qua Chánh án cấp huyện, Thẩm phán cấp tỉnh từ thời chống Pháp và cả hai đều được chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm lớp Thẩm phán cấp huyện đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946. Thời kỳ đó, việc nhiều, người ít nhưng tất cả đều hăng say làm đêm, làm cả ngày nghỉ, mà không ai nghĩ đến thù lao.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh chức Chánh án TANDTC, bác Bạch còn được Trung ương giao trọng trách: Chủ tịch Ủy ban tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược, bác dành khá nhiều thời gian đi họp, dự các hội thảo quốc tế ở nhiều nước… Tuy nhiên, với công tác của TAND và với cán bộ, nhân viên cơ quan, bác Bạch là người tận tâm với ngành, dành nhiều tình cảm chân tình với đồng chí, đồng nghiệp.
Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn cán bộ, Thẩm Phán TATC Liên Xô (cũ) tại quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Bạch là người đầu tiên đề xuất với Hồ Chủ tịch, với Bộ Chính trị để Liên Xô cử các chuyên gia sang Việt Nam, tổ chức liền 2 khóa học dài hạn (1960 - 1964) cho hàng trăm cán bộ chủ chốt của TAND, VKSND, một số chuyên viên của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, C500 Bộ Công an… Nhờ vậy mà lần đầu tiên hệ thống tư pháp có đội ngũ cán bộ có trình độ trung - cao cấp luật, trong bối cảnh ta chưa có trường Đại học Luật, còn sinh viên tốt nghiệp Đại học Luật từ nước ngoài về không đến chục người. Các học viên 2 khóa này đều trở thành những cán bộ, chuyên gia chủ chốt của TANDTC, VKSNDTC (bao gồm cả các Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự các cấp), của Trường cán bộ Tòa án (tiền thân Đại học Luật ngày nay), các học viên này cũng giữ các trọng trách ở các TAND, VKSND cấp tỉnh.
Từ đó, Trường cán bộ Tòa án liên tiếp mở các khóa ngắn hạn (6 tháng), dài hạn (2 năm) đào tạo hàng ngàn cán bộ trẻ có trình độ sơ cấp, trung cấp luật cung cấp nhân lực cho TAND các cấp trong cả nước. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, học viên 2 khóa do chuyên gia Liên Xô đào tạo, học viên trung cấp do Trường cán bộ Tòa án đào tạo, được bố trí ở tất cả các Tòa phúc thẩm, các TAND cấp tỉnh, cấp quận, huyện trên toàn miền Nam. Đặc biệt có nhiều đồng chí giữ trọng trách Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán ở các địa bàn quan trọng như Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tiền Giang, Đắk Lăk, Gia Lai…
Đây là thành tựu to lớn, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Chánh án Phạm Văn Bạch đối với tiền đồ và sức mạnh của hệ thống TAND, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Nhân đây cũng nói thêm, biết được khát khao của nhiều cán bộ Tòa án địa phương ở 2 khóa học do chuyên gia Liên Xô đào tạo, chưa một lần được gặp Bác Hồ, bác Bạch đã liên hệ với Văn phòng Quốc hội xin nhiều phiếu dự thính các phiên họp toàn thể của Quốc hội, do đích thân Bác Hồ chủ trì, để anh em có dịp được thấy Bác Hồ điều khiển phiên họp, được chiêm ngưỡng lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Riêng tôi có may mắn được tận mắt thấy Bác Hồ ít nhất 6,7 lần. Đây là kỷ niệm đẹp bác Bạch dành cho chúng tôi.
Bác Bạch hết sức nghiêm túc, quan tâm đến công tác tổng kết hoạt động của TAND hằng năm. Mỗi lần anh Vũ Tá Lân đưa chúng tôi sang nhà Bác (ở 68 Trần Hưng Đạo) để duyệt báo cáo tổng kết, bác vui vẻ tâm sự: “Tôi chỉ sửa những vấn đề thuộc quan điểm, đường lối, còn báo cáo dài hay ngắn, tôi giữ nguyên, tôi tôn trọng sức lao động của các chú”.
Tôi nhớ, những năm đó, báo cáo tổng kết toàn ngành thường từ 90 - 130 trang, báo cáo tuy dài nhưng rất súc tích, đưa ra nhiều vấn đề thực tiễn, giúp các cấp Tòa án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử. Có 2 vấn đề tranh cãi được bác Bạch chỉ đạo và kết luận rõ ràng.
Vấn đề thứ nhất là, cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn rất ác liệt và kéo dài, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc, để lại vợ con ở quê, sống, học tập và làm việc trên miền Bắc, một số đã lập gia đình mới. Tranh chấp về hôn nhân gia đình nảy sinh, bác Bạch chỉ đạo: Các chú viết phải thể hiện được tinh thần là: “Chấp nhận để họ chung sống tay ba”, không coi bà vợ ở miền Nam, hay bà vợ ở miền Bắc là “bà cả hay bà hai”, họ đều là những bà vợ hợp pháp. Kết luận này đã ổn định cuộc sống cho những cán bộ, chiến sỹ tập kết ra Bắc yên tâm công tác và học tập. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều gia đình chung sống tay ba vẫn tồn tại. Đặc thù này chỉ duy nhất có ở Việt Nam, không có ở bất cứ nước nào trên thế giới.
Vấn đề thứ hai, bác Bạch chỉ đạo trong tổng kết phải xóa bỏ quan điểm “bác đơn đến cùng” khi giải quyết các vụ xin ly hôn mà đối tượng là người lớn tuổi, là cán bộ đảng viên. Hồi đó, một số Tòa án cứ thấy đôi vợ chồng nào lớn tuổi, vợ chồng là cán bộ Đảng viên đệ đơn ly hôn là nhất nhất xử bác đơn, Chánh án Phạm Văn Bạch nhận định, xử như vậy không đi vào lòng người, không sát thực tế cuộc sống, nếu quan hệ vợ chồng thật sự đổ vỡ, không thể hàn gắn thì phải để cho họ được lý hôn… Cho đến nay, nhiều Tòa án đã phải thừa nhận hai vấn đề trên, Chánh án Phạm Văn Bạch kết luận là hoàn toàn chính xác, phù hợp với tình hình, đặc điểm Việt Nam trong những giai đoạn nhất định.
Mỗi lần nhớ đến bác Bạch, tôi nhận ra bác là một tri thức lớn, với học vị hai bằng Tiến sỹ (Tiến sỹ Luật học, Tiến sỹ Ngôn ngữ học) tu nghiệp ở nước ngoài, bác từng giữ các trọng trách: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Chánh án TANDTC, Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác của Đế quốc Mỹ xâm lược… nhưng cuộc sống đời thường của Bác rất đậm tình người, rất liêm khiết, rất giản dị, bác đi nước ngoài rất nhiều lần nhưng không mảy may trục lợi cá nhân, lúc nào bác cũng nhắc nhở anh em chúng tôi: “Mình là cán bộ, đảng viên công tác ở cơ quan chuyên chính của Nhà nước thì phải đặt lợi ích công lên trên, phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân…”. Mỗi lần đến nhà thăm hoặc làm việc với bác, anh em chúng tôi chỉ thấy tài sản quý giá nhất của bác là tủ sách (có nhiều sách tiếng Pháp), trên bàn làm việc chỉ là một chiếc radio mác Orion cũ do Bác Hồ tặng. Bác ở nhà công vụ, xe Volga của công, bác ăn uống thanh đạm, đơn sơ.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi được cùng bác Phạm Hưng đến thăm bác Bạch mấy lần ở nhà khách của Trung ương (T78), thấy bác ăn cơm tập thể như các cán bộ bình thương khác, quả là xúc động.
Bác Bạch đúng là một nhân cách lớn đáng để chúng ta tu dưỡng học tập và làm theo.