Hệ thống Tòa án nhân dân: Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015
Tiêu điểm - Ngày đăng : 05:45, 19/01/2015
Chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo và có tiến bộ
Để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, năm 2014, TANDTC đã xác định và chỉ đạo các Tòa án thực hiện tốt 3 giải pháp đột phá, cụ thể là: Tiếp tục thực hiện tốt tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.
Các Tòa án đã giải quyết, xét xử 385.356 vụ án các loại trong tổng số 415.038 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%); số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 19.623 vụ; đã giải quyết tăng 20.537 vụ. Mặc dù số lượng các vụ án mà Tòa án phải giải quyết tăng hơn cùng kỳ năm trước, nhưng chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được đảm bảo và có tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,61% (giảm 0,1%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết số 63/2013/QH13 đề ra.
Các vụ án hình sự về cơ bản đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật và không có án quá hạn luật định; việc xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tiếp tục được duy trì ở mức thấp.
Các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, trọng điểm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ về cơ bản đảm bảo có căn cứ pháp luật, chỉ có 126/22.137 trường hợp cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa án, chiếm 0,5%. Các tội phạm về tham nhũng đều được xét xử nghiêm minh, đặc biệt đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, nhiều vụ án lớn về tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử nghiêm minh được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước (số bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo chỉ chiếm 18,8% trong tổng số các bị cáo đã xét xử).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo TANDTC
Các Tòa án đã chú trọng làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; đã tổ chức 9.256 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án; đồng thời, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng chủ động thông tin tuyên truyền về công tác xét xử, giáo dục, nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân. Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về cơ bản đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, tỷ lệ các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được Viện kiểm sát chấp nhận đạt 90%.
Trong giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, nhiều Tòa án đã quan tâm khắc phục có hiệu quả việc để các vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. TAND các cấp thụ lý 320.987 vụ, đã giải quyết, xét xử 294.462 vụ việc (so với cùng kỳ năm trước số thụ lý tăng 19.075 vụ, giải quyết tăng 20.159 vụ), trong đó chỉ có 142 vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Thẩm phán, giảm 65% so với năm 2013.
Các Toà án đã tích cực làm tốt công tác hòa giải, hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; đồng thời, chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự được nâng lên. Các Tòa án đã hòa giải thành 137.437 vụ án dân sự (đạt 54%), tăng 8.952 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, các Tòa án đã chú trọng việc tổ chức đối thoại; phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết để bảo đảm giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. TAND các cấp thụ lý 7.317 vụ án hành chính; đã giải quyết, xét xử 6.244 vụ (so với cùng kỳ năm trước, số án thụ lý giảm 421 vụ, giải quyết giảm 186 vụ).
Về công tác giám đốc, kiểm tra và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC và các TAND cấp tỉnh đã giải quyết được 7.161 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tổng số 11.926 đơn/vụ phải giải quyết, bằng 60.05% (TANDTC giải quyết 5.254/9.827 đơn/vụ, các TAND cấp tỉnh giải quyết 1.907/2.099 đơn/vụ). Số vụ còn lại đều còn trong thời hạn kháng nghị. Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án TANDTC đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận; trong năm qua chỉ có 09 trường hợp các Tòa chuyên trách đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó Chánh án TANDTC phải kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm (bằng 0,15%)…
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TANDTC về công tác Tòa án năm 2014 và định hướng công tác TAND năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà TAND các cấp đã đạt được trong năm 2014. Tòa án đã làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; Tòa án đã trở thành chỗ dựa của người dân, đem lại công lý cho nhân dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.
Các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án năm 2015
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đề ra, trong năm 2015, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án được xác định là:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua liên quan tới hoạt động của Tòa án.
2. Chủ động tổ chức triển khai thực hiện các Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Tòa án, đặc biệt là Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), trong đó tập trung rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo hoạt động của TAND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
3. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa. Tập trung làm tốt công tác hòa giải, công tác đối thoại trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; khắc phục triệt để tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
4. Khẩn trương hoàn thiện các dự án Luật, Pháp lệnh được giao chủ trì và tham gia soạn thảo, như: Bộ luật Tố tụng dân dân, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự,, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự..., đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp và quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và thực hiện quyền tư pháp. Đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng việc triển khai áp dụng án lệ.
5. Tiếp tục làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ, bổ nhiệm Thẩm phán và điều động, biệt phái cán bộ, Thẩm phán. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức.
6. Thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ theo Thông báo kết luận số 116-TB/TW ngày 27/12/2012 của Bộ Chính trị về việc đào tạo cán bộ của TAND và VKSND.
7. Tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế liên quan tới công tác Tòa án; xây dựng đề án về đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tham gia vào các định chế tài phán quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế theo chủ trương và sự phân công của Đảng, Nhà nước.
8. Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp nhằm đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án.
9. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND các cấp”, gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW4. Thường xuyên rà soát đề nghị vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến.