Năm 2015, kiện toàn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

Tiêu điểm - Ngày đăng : 06:15, 18/01/2015

Trong năm 2014, hoạt động của các cấp Tòa án tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, hệ thống Tòa án đang, vướng mắc cần được kiện toàn về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Một năm chưa phát hiện án oan

Năm qua, hoạt động tranh tụng tại các phiên tòa được đẩy mạnh, Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát các cấp tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội, các trường hợp bồi thường oan sai đều của những năm trước; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án thấp hơn cùng kỳ năm 2013; số lượng các vụ án để quá hạn luật định đã được hạn chế ở mức thấp; số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và các vụ án dân sự hòa giải thành đều cao hơn cùng kỳ năm trước; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ về cơ bản đảm bảo đúng pháp luật, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo giảm 8,2% so với năm 2013; tiến độ, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra; việc xem xét, giải quyết các trường hợp có đơn kêu oan được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 69 của Quốc hội.

Để có được những thành tích trên đây, cùng với việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác với những giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt, hệ thống Tòa án có nhiều thuận lợi và được tạo điều kiện về nhiều mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, hệ thống Tòa án cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần được khắc phục để Tòa án các cấp thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.

Theo quy định của Hiến pháp, việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải chờ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, trong khi đó hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao còn thiếu 70 Thẩm phán so với chỉ tiêu được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân bổ. Đây là một thực tế làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch công tác của Tòa án nhân dân tối cao.

Trong bối cảnh các loại vụ án có xu hướng gia tăng, thẩm quyền của Tòa án nhân dân tiếp tục được mở rộng (trong xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và trong việc giải quyết các tranh chấp về đất đai) nên số lượng biên chế cán bộ, Thẩm phán được phân bổ cho các Tòa án như hiện nay là không đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bình quân mỗi Thẩm phán phải giải quyết từ 7-10 vụ/tháng, đặc biệt có nơi phải giải quyết 10 vụ/tháng, nên ảnh hướng tới tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án (2-3 ngày phải giải quyết 1 vụ án, nếu là dân sự, hành chính thì cần phải điều tra, xác minh, tu thập chứng cứ,… là hết sức nặng nề).

Năm 2015, kiện toàn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

Các đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc của các Tòa án nhìn chung còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chế độ chính sách đối với cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp hiện còn nhiều bất cập, chưa giúp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác tại các Tòa án cũng như góp phần phòng ngừa vi phạm của cán bộ, công chức.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW về việc bố trí Chánh án các Tòa án không phải là người địa phương gặp nhiều khó khăn vì hiện nay các Tòa án không có nhà công vụ, trong khi đó chế độ chính sách đối với cán bộ Tòa án còn nhiều bất cập, đời sống của cán bộ, công chức Tòa án các cấp còn gặp nhiều khó khăn.

Kiện toàn về mọi mặt

Để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015, hệ thống Tòa án  đang cần được tạo điều kiện, kiện toàn về mọi mặt, nhất là những yêu cầu đặt ra từ những thay đổi trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thì tổ chức hệ thống Tòa án được thực hiện theo mô hình 4 cấp (các Tòa án nhân dân cấp huyện, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao); mặt khác trong bối cảnh hiện nay, số lượng các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tiếp tục có chiều hướng gia tăng và thẩm quyền của Tòa án được mở rộng. Trước yêu cầu đó, Tòa án nhân dân tối cao đang triển khai xây dựng Đề án biên chế cán bộ, Thẩm phán của Tòa án nhân dân các cấp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong thời gian tới các luật tố tụng tư pháp sẽ được sửa đổi, bổ sung, để đảm bảo sự thống nhất về nhận thức khi thể chế hóa các quy định của Hiến pháp và các quan điểm về cải cách tư pháp trong các luật tố tụng tư pháp, đặc biệt là các vấn đề về quyền tư pháp; về Tòa án nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thực hiện nguyên tắc Tòa án độc lập xét xử, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội; kiểm soát quyền lực Nhà nước và kiểm soát hoạt động giữa các cơ quan tiến hành tố tụng..., đồng thời đảm bảo phù hợp với quy định của Luật tổ chức các cơ quan nhà nước, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân...

Năm 2015, kiện toàn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

Kiện toàn đội ngũ Thẩm phán là một mục tiêu của năm 2015

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng các đề án để triển khai thực hiện, trong đó có một số vấn đề quan trọng cần xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, như: mô hình tổ chức bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân các cấp, số lượng các Tòa án nhân dân cấp cao, mô hình tổ chức cơ sở Đảng của các Tòa án, chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án các cấp, tăng cường cơ sở vật chất cho các Tòa án; Tòa án có nhà công vụ để đảm bảo việc luân chuyển, chuyển vị trí công tác, đặc biệt là điều động Chánh án không phải là người địa phương...

Quán triệt thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp tham gia cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời thực hiện nghiệm túc Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Chính trị về đại hội đảng các cấp, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản chỉ đạo các Tòa án địa phương xây dựng kế hoạch, lựa chọn, giới thiệu nhân sự và báo cáo cấp ủy địa phương. Để việc thực hiện chủ trương nêu trên thống nhất, hiệu quả, đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, kịp thời đối với hoạt động của Tòa án, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Bộ Chính trị, Ban Bí thư có văn bản chỉ đạo các cấp ủy địa phương đưa đại diện lãnh đạo Tòa án các cấp tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 với thành phần là “cơ cấu cứng”; đối với những địa bàn lớn, trọng điểm như các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh có địa bàn rộng, dân cư đông, kinh tế phát triển hoặc những nơi tình hình trật tự an ninh có diễn biến phức tạp... thì bố trí Chánh án tham gia Thường vụ cấp ủy. 

Hệ thống Tòa án cũng đang đề nghị được ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin cho các Tòa án; sửa đổi chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách ưu đãi khác cho Thẩm phán, cán bộ, công chức Toà án, phù hợp với đặc thù công tác của Tòa án các cấp.

Thái Vũ