Án phạt của VFF và những dư luận trái chiều

Thể thao - Ngày đăng : 08:58, 28/12/2014

Quyết định kỷ luật treo giò vĩnh viễn của VFF đối với 9 cầu thủ tham gia cá độ của V. Ninh Bình đang được đánh giá là cương quyết, tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng quyết định này có phần khắc nghiệt.

9 cựu cầu thủ của V.Ninh Bình đã phải nhận án phạt treo giò vĩnh viễn cùng mức phạt 20 triệu đồng/người cho hành vi cá độ và bán độ tại AFC Cup, và đây là mức án mạnh tay nhất của VFF từ trước đến nay.

Tại Sea Games 2005, tiêu cực bán độ cũng đã từng xảy ra và khi đó Quốc Anh, Văn Quyến, Bật Hiếu, Văn Trương cũng đã nhận án phạt treo giò có thời hạn 3 năm và 4 năm. Tuy nhiên chỉ sau hai năm, VFF đã giảm án và các cầu thủ đã có cơ hội trở lại sân cỏ.

Trong án phạt treo giò vĩnh viễn lần này, 9 cầu thủ của V. Ninh Bình vẫn có quyền khiến nại lên Ban Giải quyết khiếu nại, tuy nhiên hầu như tất cả mọi ý kiến đều nhìn nhận cơ hội thay đổi mức án phạt là rất mong manh.

Bóng ma tiêu cực đã trở thành nỗi ám ảnh và chính các cầu thủ đã làm nên điều đó chứ không phải ai khác. Cũng chính họ đã phải nếm trải nỗi đau khi bị sự nghi ngờ bao phủ, mà gần đây nhất chính là trận bán kết lượt về AFF Cup trên sân Mỹ Đình.

Án phạt của VFF và những dư luận trái chiều

9 cựu cầu thủ V. Ninh Bình đã phải nhận mức kỷ luật treo giò vĩnh viễn của VFF

Mới đây, ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng ban kỷ luật VFF đã phát biểu trên tờ TTVH rằng: "Án phạt không chỉ  là bài học cho nhóm cầu thủ tiêu cực, mà còn rất nhiều người khác. Đây là cảnh tỉnh cho tất cả các cầu thủ Việt Nam hiện đang chơi bóng”.

Rõ ràng, bối cảnh hiện tại của bóng đá Việt Nam đang rất cần một sự mạnh mẽ trong các quyết định để vãn hồi lại niềm tin của NHM. Ông  Nguyễn Hường cũng đã tiết lộ rằng, trong Quy định kỷ luật sửa đổi năm 2015 mà Ban Kỷ luật đã gửi tham khảo ý kiến các CLB trước khi trình Chủ tịch VFF ký và sẽ ban hành tới đây được bắt đầu từ mùa giải mới, bất cứ cầu thủ nào dính vào tiêu cực là bị treo giò vĩnh viễn luôn và sẽ không phải họp đi họp lại nhiều lần để xử lý nữa.

Nhà báo Anh Ngọc, người đã gắn bó lâu năm với bóng đá cũng cho rằng: “Đã có luật, thì phải xử theo luật. Và đã xử là xử sao cho có tính răn đe cao. Như vậy mới có lợi cho một nền bóng đá đã không ít lần đánh mất niềm tin nơi NHM vì những tiêu cực”.

Tuy nhiên, cũng còn có những ý kiến băn khoăn khi cả 9 cầu thủ bị mức án phạt như nhau, bởi trong số đó có những cầu thủ còn trẻ và bị đàn anh rủ rê lôi kéo. Đặc biệt đối với những người như  HLV Lê Thụy Hải hay HLV Lê Văn Sỹ, những người luôn gắn bó với rất nhiều thế hệ cầu thủ thì án phạt này dường như quá khắc nghiệt. Mặc dù cả hai HLV đểu cho rằng quyết định xử phạt của VFF là đúng, tuy nhiên vì các cầu thủ khi mắc sai phạm còn rất trẻ, nên cũng có thể cho họ một cơ hội để làm lại.

Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải cũng từng chia sẻ: "Theo tôi, chúng ta không nên chặn đứng con đường sự nghiệp của họ. Hành vi dàn xếp tỉ số là đáng lên án, song xử tất cả 9 cầu thủ vào một khung hình phạt thì quá khắt khe.”

Việc băn khoăn của các HLV đều xuất phát từ việc lo nghĩ cho tương lai lâu dài của các cầu thủ trẻ và điều đó cũng dễ hiểu. Thế nhưng, bóng đá Việt Nam đã từng có những án phạt treo giò có thời hạn và rồi lại có cơ hội giảm án, thế nên, có thể chính điều đó chưa đủ để làm mất đi tiêu cực trong môn thể thao này.

Chia sẻ với báo chí xung quanh những ý kiến trái chiều về quyết định kỷ luật của VFF, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng đã nói  rõ quan điểm của mình: "Bóng đá Việt Nam chưa thể phát triển được trong thời gian qua theo VFF nhận định thì một phần do vấn nạn cá độ, dàn xếp tỉ số. Nếu chúng ta không có liều thuốc mạnh cắt cơn đau này, thì bóng đá Việt Nam sẽ vẫn dậm chân tại chỗ”. Vị Chủ tịch của VFF cũng  bày tỏ thái độ cương quyết xử lý mạnh tay với tiêu cực.

Có tội thì phải chịu tôi, đó là lẽ đương nhiên. VFF cũng đang chứng minh quyết tâm làm trong sạch bóng đá để góp phần vào việc lấy lại niềm tin của người hâm mộ và các nhà tài trợ. Bởi lẽ niềm tin của NHM luôn là thứ mà bóng đá Việt luôn luôn bị "thiếu trước hụt sau".

Mạnh Nguyễn(TH)