Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới trong Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
Tiêu điểm - Ngày đăng : 12:00, 15/01/2015
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; đại diện lãnh đạo VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các nhà khoa học; lãnh đạo các Tòa chuyên trách, Tòa phúc thẩm, các đơn vị nghiệp vụ thuộc TANDTC…
Nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Luật Tố tụng hành chính (TTHC) được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trải qua hơn 3 năm thi hành, Luật TTHC đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ XHCN, tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm trình tự và thủ tục TTHC dân chủ, công khai; đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án hành chính được nhanh chóng, chính xác, công minh, đúng pháp luật.
Trên cơ sở kết quả Hội nghị tổng kết 3 năm thi hành Luật TTHC, TANDTC được giao nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật TTHC (sửa đổi) nhằm mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo đối với việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật TTHC (sửa đổi), Thường trực Tổ biên tập đã xây dựng Dự thảo Luật và đưa ra lấy ý kiến của các thành viên Tổ biên tập tại cuộc họp ngày 25/12/2014. Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Tổ biên tập và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo về Luật TTHC (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 29 và 30/12/2014, Thường trực Tổ biên tập đã chỉnh lý một bước Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi).
Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) hiện có 20 chương với 305 điều. So với Luật TTHC hiện hành thì Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) tăng thêm 2 chương, số điều luật tăng 40 điều, trong đó: Giữ nguyên 137 điều; sửa đổi, bổ sung 127 điều; bỏ 1 điều của Luật TTHC hiện hành và bổ sung 41 điều mới.
Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các khái niệm quyết định hành chính, hành vi hành chính để làm rõ và phù hợp với quy định của các luật có liên quan; khắc phục tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tiễn xét xử của các Toà án. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong TTHC trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TANDC năm 2014 như: Nguyên tắc tranh tụng; áp dụng án lệ, bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử, xét xử theo thủ tục rút gọn, bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, đặc biệt bổ sung nguyên tắc Toà án không được từ chối nhận đơn khởi kiện vụ án hành chính với lý do pháp luật không có quy định cụ thể, trừ trường hợp việc giải quyết các khiếu kiện đó thuộc thẩm quyền chuyên biệt của cơ quan, tổ chức khác.
Dự thảo Luật cũng bổ sung việc Tòa án có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình giải quyết vụ án hành chính... Ngoài ra, ở các chương quy định về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng; các biện pháp khẩn cấp tạm thời; chứng minh và chứng cứ; thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính... cũng có nhiều sửa đổi bổ sung để việc thụ lý, giải quyết, thi hành án các vụ án hành chính được thuận lợi, khách quan, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Những vấn đề tiếp tục được thảo luận
Trong phần đóng góp ý kiến, đồng chí Trương Hòa Bình đã định hướng những vấn đề để các đại biểu tập trung làm rõ nhằm xây dựng Dự án Luật TTHC (sửa đổi) một cách toàn diện. Các đại biểu đã tham gia góp ý sôi nổi và còn có nhiều ý kiến khác nhau về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Quang cảnh buổi làm việc góp ý kiến vào Luật TTHC (sửa đổi)
Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: Do Luật TTHC được ban hành năm 2011 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện hành chính. Vì vậy, cần giữ như quy định hiện hành, nhưng cần bổ sung quy định việc loại trừ cả quyết định xử lý hành chính của TAND để bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, loại ý kiến này cũng đề nghị cụ thể hóa vào Luật TTHC danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án để phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 về việc quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật.
Nhóm ý kiến thứ hai: Đề nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Toà án đối với khiếu kiện hành chính, cụ thể là Toà án có thẩm quyền giải quyết cả khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức kể cả các quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức (mà không chỉ giới hạn quyết định kỷ luật buộc thôi việc như hiện nay), vì như vậy sẽ đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nhiệm vụ, công vụ.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về: Phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; địa vị pháp lý của VKSND trong TTHC; thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm; thẩm quyền của Hội đồng xét xử; thủ tục rút gọn; căn cứ kháng nghị và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính...
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án Luật TTHC (sửa đổi) đã trả lời những ý kiến mà các đại biểu còn chưa rõ, hoặc còn có nhiều quan điểm khác nhau. Đồng chí Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Tổ biên tập tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) để khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn nhằm đáp ứng mục tiêu sửa đổi Luật TTHC một cách toàn diện, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng như các văn bản pháp luật có liên quan.