Hợp tác Tòa án Việt Nam - Campuchia góp phần chặn đứng tội phạm vùng biên
Tiêu điểm - Ngày đăng : 08:05, 31/12/2014
Sự tăng cường hợp tác song phương giữa TAND Việt Nam với Tòa án Vương quốc Campuchia trong năm 2014 đã góp phần ngăn chặn tội phạm vùng biên, đồng thời mở ra những triển vọng mới, làm phong phú, đa dạng hơn cho cán bộ hệ thống Tòa án hai nước…
Đưa cần sa qua biên giới cho... gà ăn
Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung lên đến trên 1.200km, hoạt động giao thương hai nước diễn ra rất sôi động. Đó cũng là “mảnh đất màu mỡ” để các băng nhóm tội phạm ma tuý, cờ bạc, buôn bán vũ khí lộng hành, đe doạ an ninh trật tự. Lợi dụng tập quán sinh hoạt, địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều băng nhóm tội phạm đã thực hiện các hành vi phạm pháp, trong đó có trộm cắp, mua bán người… qua biên giới. Trong năm 2014, tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, đa dạng, tăng cả về quy mô lẫn tính nguy hiểm, trong đó tội phạm ma túy trở thành một trong những tội phạm xuyên quốc gia phổ biến nhất và hoạt động ngày càng tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ. Nếu không có sự hợp tác giữa các nước thì khó có thể kiểm soát và phòng chống đối với loại tội phạm này.
Một trong những vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” từ Campuchia vào Việt Nam vừa đưa ra xét xử là vụ bị cáo Nguyễn Văn Chiến. Chiến đi làm thuê (trông coi vườn và trồng mỳ) ở huyện Sannuai, tỉnh Karachie, Campuchia cho một người tên là Hùng (không rõ họ tên, địa chỉ), khu vực ruộng Phumcharap - Khumpithua, huyện Sannuai, tỉnh Karachie, Vương quốc Campuchia. Ngày 28/5/2014, Hùng nhờ Chiến chở cần sa về Việt Nam. Khi về đến đồn Công an cửa khẩu quốc tế Tapengsere - Campuchia, Chiến bị cán bộ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Bình Phước phát hiện, lập biên bản phạm tội quả tang, bắt giữ Chiến cùng với tang vật. TAND huyện Lộc Ninh vừa xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Chiến 7 năm tù.
Chánh án các tỉnh của Vương quốc Campuchia ký kết hợp tác với TAND tỉnh Bình Phước tại Hội nghị giao lưu, hợp tác 2014
Điều đáng nói qua vụ án là bọn tội phạm ma túy đã lợi dụng trình độ dân trí còn thấp của một số người để đẩy họ vào con đường phạm pháp. Chiến khai: Khi biết Chiến về nước, Hùng cầm một bao tải buộc miệng nhờ Chiến chở về giùm Hùng. Chiến hỏi bao gì, Hùng trả lời là “cần sa đem về chế biến cho… gà ăn”. Hùng hứa với Chiến chở bao cần sa về đến ngã ba liên ngành thuộc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Hùng lấy sẽ cho Chiến 2.000.000 đồng. Do cả tin “ông chủ” và thấy việc nhẹ nhàng lại có tiền nên Chiến đồng ý.
Báo động tình trạng vượt biên làm "lâm tặc"
Giống như Chiến, vụ án Trần Văn Tấn cùng đồng bọn phạm tội “Vận chuyển hàng cấm” cũng chỉ vì lóa mắt trước lợi nhuận và suy nghĩ nông cạn. Trưa 23/5/2014, Trần Trung Tuân, Trần Văn Tấn, Nguyễn Văn Hưng và Hồ Văn Bềnh đang câu cá tại khu vực biên giới xã Lộc Thịnh, giáp Campuchia thì gặp bốn người Campuchia (không rõ nhân thân, lai lịch) đang vận chuyển hàng lậu. Thấy thuốc lá Hero đóng thùng rẻ nên mỗi người mua một thùng mang về hút và làm quà. Sau đó, Tấn về công ty nói dối với bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho xe vào chở đồ ăn cho công nhân nên sau khi nhận lời Tấn, bà Hồng đã kêu Nguyễn Quý Tài lấy xe ôtô bán tải biển số 93C - 035.02 của Công ty vào khu vực gần trạm cửa khẩu Lộc Thịnh chở đồ. Tài điều khiển xe đến khu vực cửa khẩu quốc gia Lộc Thịnh gặp Trần Văn Tấn và Trần Trung Tuân. Tấn và Tuân chỉ đường cho Tài đến chỗ để thuốc, rồi Tấn và Tuân vác 8 thùng thuốc Hero (tổng cộng 4.000 bao) bỏ lên xe của Tài và đi về Công ty trước. Còn Tài định điều khiển xe đi nhưng bị Công an kiểm tra, bắt giữ. TAND huyện Lộc Ninh vừa xét xử và tuyên bản án nghiêm khắc cho các bị cáo. Ngoài ra, TAND huyện Lộc Ninh còn xét xử thêm 8 vụ với 14 bị cáo phạm tội về trộm cắp tài sản, bán xe mô tô qua Campuchia.
Về phía Campuchia cũng tăng cường kiểm tra và xử lý một số người dân Việt Nam vượt biên giới trái phép để khai thác, vận chuyển gỗ và đánh bạc. Trong năm qua có 8 vụ người Việt Nam sang Campuchia khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép, trong đó có 1 vụ/3 người bị lực lượng chức năng Campuchia phát hiện, bắn bị thương. Phía Campuchia đã trao trả cho phía Việt Nam nhiều đối tượng và phương tiện phạm pháp về các hành vi vượt biên trái phép, nhập cảnh trái phép qua Campuchia. Một số vụ mua bán người đang được hai bên tích cực điều tra như vụ chị Điểu Thị Hiền bị các đối tượng bán sang Campuchia, các cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp với nước bạn tìm kiếm nạn nhân.
Nhìn lại một năm qua, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước Nguyễn Hữu Trí đánh giá cao sự hợp tác giữa hệ thống Tòa án hai nước Việt Nam - Campuchia. Theo ông Trí, trật tự xã hội trên tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, tội phạm ma túy, buôn bán người qua biên giới diễn ra tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng phạm tội. Nếu không có sự hợp tác tốt giữa các nước, khó có thể kiểm soát và phòng chống những loại tội phạm này. Cùng quan điểm đó, ông Dan Narin, Chánh án Tòa án tỉnh Muldulkiri nhận định: Học hỏi, rút kinh nghiệm trong phòng chống tội phạm xuyên biên giới không phải là việc riêng của hệ thống Tòa án mà là của chung ngành Công an, quân đội và chính quyền các tỉnh của hai quốc gia. Hợp tác để chúng ta thắt chặt tình đoàn kết, gần nhau hơn nữa, theo xu hướng bảo vệ an ninh, hòa bình, phát triển tuyến biên giới hai nước.
HỢP TÁC TÒA ÁN HAI NƯỚC ĐI VÀO CHIỀU SÂU Tòa án hai nước Việt Nam - Campuchia có mối quan hệ hợp tác truyền thống từ lâu và ngày càng được củng cố, phát triển. Trong năm 2014, lãnh đạo hệ thống Tòa án hai nước thường xuyên tổ chức các Hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệm xét xử và kế hoạch hợp tác để củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Tòa án hai nước. Trên tinh thần thông cáo chung của Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, các Tòa án tỉnh hai nước liên tục có sự giao lưu, trao đổi đoàn công tác. Tháng 1/2014, Đoàn cán bộ TAND tỉnh Bình Phước đã tổ chức đoàn công tác sang giao lưu, hợp tác với Tòa án tỉnh Mundunkiri. Ngày 3/1/2014, TAND tỉnh Tây Ninh và Tòa án tỉnh Kompongcham đã ký kết bản thỏa ước về tăng cường công tác xét xử và đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới giữa hai nước. Ngày 9/1/2014, tại tỉnh Kan Dal, Vương quốc Campuchia, Tòa án tỉnh Kan Dal và TAND tỉnh An Giang đồng chủ trì Hội nghị trao đổi kinh nghiệm xét xử, phòng chống tội phạm. Tháng 5/2014, TAND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị hợp tác quốc tế lần thứ ba trong khuôn khổ hợp tác, trao đổi công tác xét xử và phòng chống tội phạm qua biên giới với Tòa án sơ thẩm tỉnh Kam Pốt và Tòa án sơ thẩm tỉnh Preah Sihanouk. Đến giữa tháng 12/2014, đoàn cán bộ Tòa án ba tỉnh Kongpongcham, Karatie và Mundunkiri đến Bình Phước dự Hội nghị giao lưu hợp tác. TAND Bình Phước và Tòa án ba tỉnh Muldulkiri, Kompong cham, Kratie đã ký kết hợp tác, trao đổi thông tin giữa các bên, đáp ứng yêu cầu hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. |