Phiên họp thứ hai đóng góp vào Sơ thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi)
Tiêu điểm - Ngày đăng : 01:19, 25/12/2014
Tham dự phiên họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; đại diện lãnh đạo VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính… Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Ban soạn thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi) chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, đồng chí Trương Hòa Bình cho biết, theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, TANDTC được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự án Bộ luật TTDS (sửa đổi). Bộ luật TTDS hiện hành có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 1/1/2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2011 theo Luật số 65/2011/QH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. Sau hơn 9 năm thi hành, Bộ luật TTDS đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chế độ XHCN, tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm trình tự và thủ tục TTDS dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động TTDS.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các quy định của Bộ luật TTDS cho thấy, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng nhiều quy định của Bộ luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Bộ luật TTDS chưa quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng; chưa quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ chứng minh của người tham gia tố tụng, nhất là quyền và nghĩa vụ trong việc thu thập và giao nộp chứng cứ; nguyên tắc tranh tụng chưa được quy định; trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm chưa thể hiện tính tranh tụng… Những hạn chế, bất cập của Bộ luật TTDS là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng các bản án, quyết định dân sự bị sửa, bị hủy chiếm tỷ lệ cao; hiệu lực thi hành các bản án, quyết định dân sự chưa được bảo đảm; công tác xét xử các vụ án việc dân sự của TAND chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân và toàn xã hội. Vì vậy, việc triển khai xây dựng Dự án Bộ luật TTDS (sửa đổi) là cần thiết; nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, tiếp tục hoàn thiện một cách căn bản hệ thống pháp luật TTDS nói chung và BLTTDS nói riêng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong TTDS.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình kết luận phiên họp
Hiện tại, TANDTC đã phối hợp với Chính phủ, VKSNDTC, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam xây dựng xong Sơ thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi) với 36 chương, 418 điều. Tại phiên họp, các đại biểu đều khẳng định: Sơ thảo đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Sơ thảo đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Phạm vi sửa đổi Bộ luật TTDS là cơ bản, toàn diện, có tính hệ thống xuyên suốt quá trình tố tụng đặc biệt tập trung vào những quy định nhằm phù hợp với việc cải cách cơ cấu, tổ chức hệ thống TAND, VKSND, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật TTDS, đồng thời, nghiên cứu bổ sung những thủ tục tố tụng đặc thù phù hợp với những loại tranh chấp đặc thù.
Quang cảnh phiên họp lần 2
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất, hoặc có quy định cần phải đưa thêm vào Dự án luật để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi, dễ thực hiện. Những vấn đề được thảo luận nhiều như: Các quy định về thủ tục rút gọn; về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong TTDS; về sự tham gia của Viện Kiểm sát đối với các phiên tòa và phiên họp để giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án; về thẩm quyền của Tòa án giải quyết vụ việc dân sự; về vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với đơn khởi kiện; về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; về công nhận kết quả hòa giải thành; về tống đạt văn bản của Thừa phát lại…
Kết luận phiên họp, đồng chí Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban soạn thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi) đã tiếp thu và giải thích, làm rõ những vấn đề hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau, đồng thời định hướng để các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu xem xét để chỉnh lý trong những lần sau.
Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi) cũng bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, đồng thời hoàn thiện trình tự và thủ tục TTDS theo hướng chặt chẽ, nhanh chóng, đúng pháp luật; đảm bảo sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động TTDS; bảo đảm tính khả thi của các bản án, quyết định của Tòa án, các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành… |