Hồ sơ mật về các "nhạc trưởng" sân cỏ (P3) : Jose Mourinho
Thể thao - Ngày đăng : 15:30, 22/10/2014
Kỳ 3: Những điểm nhấn trong nghệ thuật phòng ngự của Mourinho
Trước Mourinho, không phải các đội bóng không biết phòng ngự, nhưng Mourinho chính là người đưa phòng ngự trong bóng đá trở thành một nghệ thuật hàng đầu của bóng đá hiện đại. Trước Mourinho, người ta không hay bàn cãi quá nhiều cũng như chú ý quá nhiều đến các loại hình chiến thuật phòng ngự, Mourinho đến, và người ta xem bóng đá theo cách khác đi !
Phòng ngự - phản công: Vũ khí đắc dụng bậc nhất
Nghệ thuật phòng ngự của Mourinho thường hay bị gán vào thứ bóng đá tiêu cực, là kẻ thù của bóng đá đẹp. Những người không ưa Mourinho luôn lôi ra sự xấu xí trong phong cách phòng ngự của các đội bóng do Mourinho dẫn dắt, làm một cái cớ để chê bai, dè bỉu những thành công mà ông gặt hái được bằng nghệ thuật huấn luyện tài ba của mình.
Nhiều người trách Mourinho đã phá hoại bóng đá, là kẻ thù của bóng đá đẹp. Nếu vậy có lẽ người đáng trách không phải Mourinho mà phải là cả một xu thế tất yếu của bóng đá hiện đại.
Trong bóng đá hiện đại, khâu phòng ngự ngày càng được chú trọng. Sự ngẫu hứng và bùng nổ tấn công một chiều ngày càng ít đất diễn do tính chất thắng – thua của các trận cầu vì nhiều lí do mà ngày càng được đẩy cao.
"Người đặc biệt" đã lí giải điều này: “Tại sao bóng đá phòng ngự trở nên thịnh hành? Bởi không để thủng lưới là một nửa của chiến thắng, bởi phòng ngự luôn dễ hơn tấn công và bởi sự phân hóa trong bóng đá ngày càng trở nên rõ ràng. Một đội bóng yếu khi chơi trước đội bóng mạnh hơn họ nhiều lần thì giải pháp duy nhất là phòng ngự và tìm cơ hội phản công”.
Khi Jose Mourinho tới dẫn dắt Chelsea vào năm 2004, nhiều chuyên gia và HLV bóng đá đã nói rằng phòng ngự được nâng lên tầm nghệ thuật. Trong hai mùa giải mà The Blues đăng quang ngôi vô địch Premier League, “Người đặc biệt” đã xây dựng cho đội bóng của mình một hàng thủ vững chắc đến kinh ngạc (2004-2005: Chelsea chỉ để lọt lưới có 15 bàn/38 trận và 2005-2006: 22 bàn/38 trận).
Tại Inter, cái gọi là “nghệ thuật” trong phòng ngự kết hợp phản công được “Người đặc biệt” nâng lên một tầm mới. Cú ăn 3 thần thánh của Inter đã nói lên tất cả.
Đến Bernabeu hoa mỹ, để chống lại tiqui-taca của Barca đang ở thời đỉnh cao hiếm có của bóng đá thế giới, không còn cách nào khác Mourinho buộc phải áp dụng lối chơi phòng ngự siêu chặt chẽ và phản công thần tốc. Real dù sở hữu dàn sao thượng thặng nhưng vẫn chấp nhận chơi co mình, chờ thời cơ. Cũng từ đây, lối phòng ngự của Mourinho có thêm nhiều chất bùng nổ công phá, và ông cũng đã gặt hái được những danh hiệu nhất định cùng đội bóng chưa thực ưng ý theo cách xây dựng của mình.
Bây giờ, với sự trở lại của Jose Mourinho, Chelsea đang trở thành một đội bóng rất khó bị đánh bại. Khi Mourinho - bậc thầy về lối chơi phòng ngự phản công đã nâng tầm chiến thuật này lên mức nghệ thuật trí tuệ bậc cao. Các cầu thủ chơi bóng với cái đầu tỉnh táo, tuân thủ chiến thuật chặt chẽ và di chuyển theo cách đã được lập trình đến từng chi tiết nhỏ.
Mourinho luôn chỉ đạo học trò chơi kỷ luật đến từng chi tiết
Mourinho từng nói, những chiến thắng cách biệt tối thiểu là những chiến thắng của đẳng cấp. Trong triết lý của Mourinho, ghi 1 hay 4 bàn cũng không quan trọng bằng việc giành 3 điểm.
Với ông thầy người Bồ Đào Nha, giữ sạch lưới hoặc để thua càng ít bàn càng tốt mới là sợi chỉ đỏ dẫn tới những thắng lợi. Ông cứng rắn bảo vệ các nguyên lý bóng đá của mình: Đội bóng nào không phòng ngự tốt thì không có nhiều cơ hội chiến thắng. Đội bóng không ghi được nhiều bàn thắng nếu để thủng lưới nhiều thì sẽ gặp rắc rối lớn. Đội bóng mất cân bằng thì không còn là đội bóng nữa.
Nhưng cái quan trọng nhất là bằng cách nào Mourinho đã xây dựng nên lối chơi chặt chẽ, kín kẽ đến không tưởng để giành được chiến thắng cuối cùng? Tại Chelsea mùa này, khi những nhân tố mới đáp úng tốt sự kỳ vọng, người ta thấy một The Blues đang tiến tới "Sexy Football" như Abramovich mơ ước mà vẫn chắc chắn đến lạnh lùng, nhờ khả năng phòng ngự phản công siêu việt. Không đội bóng nào có khả năng chơi phản công hay, đa dạng và sắc lẹm như những đội bóng trong tay Mou.
Cách mạng đội hình và nâng tầm vị trí tiền vệ phòng ngự
Mourinho luôn ưa thích những cầu thủ đa năng có thể chơi tốt nhiều vị trí, có thể lực và tinh thần mạnh mẽ. Ông thường xây dựng đội hình với phong cách ba thủ môn và hai cầu thủ chất lượng cùng một vị trí, để tạo chiều sâu đội hình cho những cuộc đua đường trường cũng như cho phép sự biến đổi chiến thuật linh hoạt.
Trước sự thịnh hành tại thời điểm Mou xuất hiện của sơ đồ chiến thuật 4-4-2, Mou nói: Hai tiền đạo là quá nhiều còn bốn tiền vệ là quá ít. Thế nên Mou ưa sử dụng 1 tiền đạo và 5 tiền vệ cùng các biến thể của nó để tạo nên một thiên hướng chiến thuật mới.
Trong sơ đồ đó, Mou đặc biệt đề cao vài trò của tiền vệ phòng ngự. Có thể nói trước đây, vai trò tiền vệ phòng ngự rất ít được quan tâm. Mou đã cho người hâm mộ cái nhìn khác hẳn về vai trò tối quan trọng của một tiền vệ đánh chặn trong bóng đá đương đại. Trong nhiệm kỳ đầu tiên tới Chelsea , Mou đặc biệt coi trọng vị trí của Mekelele: “Nếu tôi dùng hàng tiền vệ hình tam giác, Mekelele lùi sâu và hai người còn lại đá ngay phía trước anh ta, Chelsea sẽ luôn chiếm ưu thế trước các đội trung thành với sơ đồ 4-4-2 kiểu cổ điển. Mọi thứ đều khởi đầu với Makelele”.
Mourinho luôn biết cách tạo nên những “quái vật” ở vị trí tiền vệ phòng ngự
Tại phiên bản 2.0 hiện nay, Matic cũng là nhân tố quan trọng bậc nhất trong sơ đồ chiến thuật của Mou. Trong vai trò của một tiền vệ phòng ngự, Matic chẳng phải cầu thủ sẽ ghi bàn hay kiến tạo. Thay vào đó, anh làm nhiệm vụ “càn quét” khu trung tuyến, ngăn cản đối phương lên bóng và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ khung thành đội nhà. Khi cần thiết, Matic cũng có thể trực tiếp thực hiện vai trò tổ chức hay phát động tấn công ngay từ khu vực giữa sân.
Mourinho đang tự thay đổi để đáp ứng những nhu cầu mới của tình hình, ông cũng đang xây dựng sự linh hoạt gắn liền với các cầu thủ cụ thể để lối chơi phòng ngự phản công thêm biến hóa. Khi sự vận hành này nhuần nhuyễn, liệu ai sẽ đủ sức chặn đà tiến lên của tắc kè hoa Chelsea./