Brazil và mối “quan ngại” mang tên World cup (kỳ 4)
Thể thao - Ngày đăng : 15:32, 24/06/2014
Thậm chí, càng gần tới ngày World Cup diễn ra, chính quyền Brazil càng đau đầu trước những cuộc biểu tình phản đối của người dân trong nước. Và dù đã huy động hơn 150.000 nhân viên an ninh, nhưng việc đảm bảo an toàn cho người hâm mộ cũng như các đội bóng vẫn là một dấu hỏi lớn dành cho ban tổ chức…
“Fifa hãy cút về nhà…”
Brazil là quốc gia đông dân nhất và có nền kinh tế lớn nhất tại Nam Mỹ, tuy nhiên có đến 1/5 dân số sống trong cảnh đói nghèo. Việc xây dựng 12 sân vận động hoành tráng và công tác tổ chức sự kiện làm cho Brazil phải chi tới 11 tỷ đôla cho giải bóng đá này, riêng số tiền để xây mới và sửa lại 12 sân vận động cho World Cup đã lên tới 3,6 tỷ đô la. Do đó, người dân tức giận khi chính phủ đã dùng số tiền đầu tư cho World Cup mà không cho giáo dục, bệnh viện, vệ sinh công cộng hay để xóa bỏ bạo lực, nghiện ngập và nạn lạm dụng vũ khí ngoài đường phố, cải thiện cuộc sống người dân.
Biểu tình phản đối World Cup liên tiếp nổ ra tại Brazil
Không ít người dân ở đây sẵn sàng hét lên những câu chửi tục khi nghe tới FIFA hay World Cup. Một số thanh niên còn sáng tạo ra những bức tranh đường phố với các thông điệp chê bai ngày hội bóng đá. Dễ dàng bắt gặp các tác phẩm này ở khắp mọi nơi trên đường phố Brazil.
Ngoài việc gây phẫn nộ vì việc bỏ tiền ra cho một cuộc chơi xa xỉ, chính quyền Brazil còn khiến nhiều người nghèo ở các khu ổ chuột phải lao đao. Trong đó, để đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho hai sự kiện thể thao mang tầm quốc tế, chính phủ Brazil quyết tâm phá dỡ các khu ổ chuột bên ngoài các thành phố lớn để xây công viên hiện đại, cùng nhiều nhà nghỉ, khách sạn mới phục vụ cho du khách thập phương. Tuy nhiên, việc này vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực tới những người dân nghèo. Điều này khiến cho trong thời gian vừa qua, người dân nghèo tại các thành phố lớn của Brazil liên tục tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn để phản đối World Cup.
Bên cạnh việc đối mặt với sự chỉ trích của người dân nghèo, chính quyền Brazil còn phải giải quyết yêu sách tăng lương của các tầng lớp lao động dịch vụ. Chủ tịch công đoàn tàu điện ngầm Brazil cho biết sẽ tổ chức một cuộc đình công lớn tại Sau Paulo nếu công nhân trong toàn bộ hệ thống không được tăng lương từ 8,7-10%. Còn tại Belo Horizonte, các nhân viên làm việc trong ngành y tế tổ chức cũng đình công nhằm đòi hỏi tăng thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn thay vì việc chính phủ đổ hàng tỷ đô la cho bóng đá.
Mới đây, làn sóng chống đối này tiếp tục dâng cao khi những người biểu tình đòi tăng lương đã quá khích đốt lốp xe và chặn các tuyến đường cao tốc ở một số điểm diễn ra các trận đấu ở World Cup sắp tới. Tại bang Sao Paulo, hàng trăm người biểu tình đã chặn 2 tuyến đường chính vào thành phố và tụ tập đốt lốp xe gần SVĐ Itaquerao, nơi diễn ra trận đấu giữa tuyển Anh với Uruguay.
Người đứng đầu phong trào này cho hay: “Chúng tôi không muốn phá hủy các SVĐ. Những gì chúng tôi muốn là người lao động được có nhà ở”. Theo người này, nhiều người đã phải ra đường vì giá nhà tăng do ăn theo World Cup 2014. Ngoài ra, họ còn đe dọa sẽ kêu gọi đình công trên khắp 50 bang của Brazil nếu chính phủ không có động thái can thiệp kịp thời. Trong khi đó ở Rio De Raniero, tình trạng xuống đường biểu tình phản đối World Cup không kém phần nóng bỏng. Một số người giương biểu ngữ “FIFA hãy cút về nhà” trong khi nhóm khác thì khắc tên những công nhân thiệt mạng khi làm việc tại các công trình phục vụ World Cup lên cây thánh giá.
Đây không phải là lần đầu, người dân Brazil lên tiếng phản đối việc chính phủ đứng ra tổ chức sự kiện bóng đá. Hàng triệu người trên khắp đất nước Brazil cũng lên tiếng phản đối khi đang diễn ra Cúp Liên đoàn các châu lục 2013, các cuộc biểu tình liên tiếp trong vòng 1 tháng đã dẫn đến cái chết cho 6 người.
An ninh vẫn là dấu chấm hỏi
Để đối phó với tình trạng biểu tình, bạo lực, tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tham gia sự kiện này. An ninh tại các thành phố lớn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong giai đoạn tổ chức sự kiện. Theo ước tính, chính phủ Brazil đã chi 856 triệu USD cho công tác an ninh, cao hơn gần 5 lần so với mức Nam Phi đã bỏ ra cho World Cup 2010 để bảo đảm an toàn cho sự kiện thể thao thu hút người hâm mộ lớn nhất hành tinh này.
Không chỉ điều động 150.000 nhân viên an ninh đến các 12 thành phố tổ chức World Cup 2014, chính phủ Brazil còn cho biết sẽ thắt chặt an ninh tại khu vực biên giới với các nước láng giềng bao gồm Venezuela, Colombia, Peru, Bolivia, Paraguay, Uruguay và kể cả Argentina. Tất cả các nhân viên cảnh sát, quân đội cũng như lực lượng Bảo vệ quốc gia sẽ can thiệp hiệu quả trong các tình huống cần thiết.
Lực lượng an ninh ở Brazil sẽ cam kết không đàn áp các cuộc tụ tập đông người, vì đó là một biểu hiện của nền dân chủ, nhưng cũng không dung thứ các hành động bạo lực của các nhóm cực đoan. Bất cứ hành động tiêu cực nào của người biểu tình sẽ nhận được sự trừng phạt thích đáng. Điển hình như việc, vào cuối tháng 4 một đám đông đã biểu tình trong một con phố trung tâm tại Sao Paulo. Người biểu tình đốt phá đường phố và khiến giao thông thành phố 20 triệu dân này rơi vào hỗn loạn. Ngay lập tức, cảnh sát đã sử dụng lựu đạn gây tê và hơi cay để giải tán đám đông. Những kẻ quá khích bị bắt và chịu sự truy tố của pháp luật.
Cảnh sát nước này đã in cẩm nang về an ninh bằng 3 thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và Pháp để phát cho khách du lịch. Ông Mario Leite, người phụ trách về an ninh ở World Cup tại Sao Paulo cho biết, du khách đa phần tới từ châu Âu và Mỹ, họ không quen với loại tội phạm này nên khi gặp cướp thường có phản ứng. Việc kêu cứu có thể kích động kẻ cướp ra tay sát hại nạn nhân. Bên cạnh đó, cảnh sát Brazil còn đưa ra những lời khuyên hữu ích khác cho các du khách như cảnh giác vào ban đêm, tránh khoe các tài sản có giá trị, hay tránh xa các đám biểu tình quá khích.
Bên cạnh việc tăng cường an ninh công cộng, việc đảm bảo an toàn cho các đội tuyển tham gia cũng được chính phủ Brazil đề cao. Nơi ở của các đội tuyển được đặt trong các khu vực an toàn nhất, sân tập sẽ nằm ở các khu quân sự lân cận. Theo báo chí Brazil, đường vào sân tập của các đội tuyển được quân đội canh gác suốt hơn một tuần nay. An ninh quanh khu tập luyện được đảm bảo tuyệt đối. Bên cạnh đó, tất cả mọi sự ra vào trung tâm đều phải thông qua đội kiểm tra an ninh tại trạm kiểm soát.
Ngoài ra để tăng tính an toàn, nước chủ nhà còn tài trợ vệ sĩ bản địa cho các đội tuyển. Tuy nhiên, một số đội bóng nhà giàu không sử dụng lực lượng này mà mang theo lính đặc nhiệm từ quê hương. Điển hình là đội tuyển Anh, đội bóng đảo quốc sương mù mang sẵn vệ sĩ từ quê nhà, thay vì thuê vệ sĩ Brazil như kế hoạch ban đầu. Đặc biệt, chính phủ anh còn cho phép đội bóng mang theo 20 binh sĩ tinh thuệ của Hoàng gia.
Nước chủ nhà còn yêu cầu các quốc gia tham dự phải đóng góp thêm cảnh sát tinh nhuệ. Những cảnh sát từ các quốc gia khác nhau sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn và tham gia bảo vệ cổ động viên cùng đội tuyển tham dự. Thú vị hơn, nếu xảy ra sự cố lớn, các đội tuyển sẽ được vận chuyển tới sân vận động bằng máy bay trực thăng. Phương tiện này sẽ giúp các cầu thủ đỡ mất nhiều thời gian, tránh được sự quá khích của một số người hâm mộ, hay đoàn biểu tình trên đường phố.
“Thổ dân” biểu tình phản đối World Cup Sự kiện World Cup kéo theo nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, trong đó điển hình là cuộc nổi loạn của các thổ dân bản địa ở sân Brasilia nằm tại thủ đô Brazil. Cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra từ 27/05 và kéo dài sang đến ngày hôm sau. Ước tính đã có khoảng 1.500 người với sự tham gia của hơn 100 bộ tộc thiểu số từ khắp Brazil, đáng chú ý nhất là Kayapo trưởng bộ lạc Raoni, một nhà lãnh đạo 84 tuổi nổi tiếng với chiến công bảo vệ rừng mưa Amazon trước người Anh. Nguyên nhân của cuộc biểu tình này là do việc chính phủ đã ngừng các dự án đầu tư cho các dân tộc thiểu số để có đủ tiền tổ chức World Cup. |