“Cú lừa lịch sử” của liên quân VFF-Eximbank-HAGL: Mời Arsenal thi đấu với đội "cựu ngôi sao Việt Nam"?!

Thể thao - Ngày đăng : 08:37, 23/06/2013

Ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF tuyên bố: “Chúng tôi sẽ gọi những cầu thủ từng cống hiến cho tuyển Việt Nam và sẽ cho HAGL có vài cầu thủ “ngồi cùng mâm” với đội hình thi đấu cùng CLB Arsenal tới đây...".

VFF “qua mặt”Bộ và “lừa” người hâm mộ

Trong cuộc gặp mặt báo chí phía Nam sáng 21-6 tại TP.HCM, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã thông báo cho báo giới một thông tin gây sốc: "Về đội hình cầu thủ thi đấu với Arsenal tới đây, chúng tôi sẽ gọi những cầu thủ từng cống hiến cho tuyển Việt Nam, nhưng chỉ thời Công Vinh, Tài Em, Minh Phương…Riêng đội HAGL cũng sẽ có vài cầu thủ vì họ là nhà tài trợ chẳng lẽ không có ai góp mặt".

“Cú lừa lịch sử” của liên quân VFF-Eximbank-HAGL: Mời Arsenal thi đấu với đội

Công văn VFF báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Arsenal sẽ thi đấu với Đội tuyển Quốc gia VN 

Thế nên trong Công văn số 558 CV/2013/LĐBĐVN, ngày 17-6 do ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF ký gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hỷ đã dám “lập lờ” với Bộ bằng việc “xin tổ chức trận đấu trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình giữa Đội tuyển quốc gia Việt Nam và CLB Arsenal”. 

Với tuyên bố trên của ông Hỷ thì ngày 17-7 tới đây, đội Arsenal sang Việt Nam sẽ chỉ thi đấu với “Đội các ngôi sao Việt Nam”, gồm những tuyển thủ quốc gia đã “nghỉ hưu” ở đội tuyển quốc gia, một số cầu thủ trong đội tuyển U23 Việt Nam và… một số cầu thủ trong đội hình của CLB HAGL chứ không phải Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Trả lời phóng viên ngày 22-6, ông Vương Bích Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định: “Đón Arsenal đến Việt Nam thi đấu không phải là nhiệm vụ chính trị hoặc Nhà nước giao”. Đây là thương vụ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Eximbank và HAGL là những đơn vị đứng ra tổ chức. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục - Thể thao không đứng ra mời, cũng không là đơn vị tổ chức trận đấu này. Việc anh Hỷ, Chủ tịch VFF tuyên bố “Đón Arsenal là nhiệm vụ chính trị” đó có thể là câu nói lỡ lời của anh Hỷ.

Ông Thắng cũng khẳng định: Đội tuyển thi đấu lần này mà VFF, Eximbank, HAGL chọn lựa thi đấu là những cầu thủ từ các CLB chứ không phải “Đội tuyển Quốc gia Việt Nam”. Việc anh Hỷ tuyên bố với báo giới là sẽ chọn một số cầu thủ của HAGL vào thi đấu với Arsenal vì họ là nhà tài trợ là không đúng, có thể BTC chọn lựa cầu thủ xuất sắc từ CLB HAGL vì họ xuất sắc chứ không thể nói vì HAGL là nhà tài trợ nên phải cho họ vào thi đấu.

Trả lời về việc tại sao Tổng cục Thể dục - Thể thao không chỉ đạo để đội tuyển Quốc gia Việt Nam thi đấu với Arsenal, ông Thắng cho biết“Không! Vì họ phải có sức khỏe thì mới thi đấu được chứ, với lại đây là VFF tổ chức chứ không phải Bộ và Tổng cục tổ chức nên không thể chọn được”.

Ông Chủ tịch VFF mạo nhận “nhiệm vụ chính trị” để…làm kinh tế!

Ai cũng đều hiểu rằng, VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Ngân hàng Eximbank và HAGL là những doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải những đơn vị này là tổ chức chính trị hay cơ quan quản lý Nhà nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục - Thể thao cũng không phải là đơn vị đứng ra thay mặt Nhà nước chỉ đạo, tổ chức mời hoặc đón CLB Arsenal đến Việt Nam. Thế nhưng trả lời báo chí thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF  luôn mạnh miệng tuyên bố “Đón Arsenal là nhiệm vụ chính trị chứ không thể coi là hoạt động kinh doanh để tính lỗ, lãi” để đánh lừa dư luận.

Cũng theo ông Hỷ, việc thi đấu với tuyển Arsenal là vinh dự của đời cầu thủ, là cơ hội để các cầu thủ của chúng ta thử lửa, cọ sát với một đội bóng hàng đầu thế giới. Nghe ông Chủ tịch VFF phát biểu, người hâm mộ bóng đá “ấm lòng” vì “Đội tuyển Quốc gia Việt Nam” của chúng ta sắp được thi đấu với đội bóng hàng đầu thế giới. Thế nhưng, họ đã bị cho “quả đắng” vì giờ đây đội hình thi đấu chẳng phải là các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia mà lại là những cầu thủ đã “nghỉ hưu” ở đội tuyển quốc gia, thậm chí có sự góp mặt của một số cầu thủ CLB ở tận tỉnh miền núi xa xôi (CLB HAGL) lại được “ngồi cùng” mâm với một số tuyển thủ quốc gia để thi đấu với Arsenal, gộp lại thành “Đội tuyển các ngôi sao Việt Nam”.

 “Cú lừa lịch sử” của liên quân VFF-Eximbank-HAGL: Mời Arsenal thi đấu với đội

Logo nhà tài trợ “phủ kín” giấy mời, vậy nguồn thu này đang được cất giấu ở đâu?

Thương vụ kinh doanh bóng đá lần này, theo báo cáo của VFF và tuyên bố với báo giới: “Liên quân” VFF-Eximbank-HAGL sẽ có nguồn thu 30,6 tỷ đồng từ việc kinh doanh “người hâm mộ” thông qua việc bán vé; còn tiền thu 4 nhà tài trợ, tài trợ chính, bản quyền truyền hình trận đấu VFF báo cáo là 0 đồng. Như vậy VFF luôn giới thiệu Eximbank, HAGL là nhà tài trợ, vậy họ tài trợ những gì? Số tiền bao nhiêu? Sao VFF lại giấu nhẹm không công bố?

Mạnh miệng tuyên bố “Đón Arsenal là nhiệm vụ chính trị” nhưng theo bảng dự toán trận giao hữu đội Việt Nam-CLB Arsenal, VFF dự kiến chi những khoản tiền đậm chất “kinh doanh” như: Chi tiền cho đối tác khai thác thương mại và bán vé (1,5 tỷ đồng); thuế doanh thu bán vé phải nộp (1,5 tỷ đồng); chi họp báo, truyền thông, tuyên truyền trận đấu (1,3 tỷ đồng); chỉ riêng tiền chi phí họp Ban chỉ đạo, BTC, mời đội mà VFF dự kiến chi tới 400 triệu đồng…

Trả lời câu hỏi việc Eximbank, HAGL báo cáo Bộ và Tổng cục nguồn thu tài trợ là “0 đồng”? Ông Vương Bích Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao phân tích: Phải nói Eximbank, HAGL là nhà bảo trợ, họ đứng ra mời Arsenal đến Việt Nam, họ cũng đã tổ chức đoàn đến Việt Nam để khảo sát, kiểm tra sân, thương thảo hợp đồng... Còn hiện nay nguồn thu để tổ chức trận đấu chưa thu được đồng nào cả, BTC chỉ nhận định với “sức nóng” của sự kiện này, nhiều khả năng sẽ bán được giá vé cao và nguồn tiền thu về có lẽ cũng chỉ là từ việc kinh doanh “người hâm mộ”. Người hâm mộ trả tiền mua vé cao thì BTC sẽ thu được tiền nhiều, không phải bù lỗ. Đánh giá về giá vé 1,5 triệu đồng/vé so với lương cơ bản của công chức hiện nay là 1.050.000 đồng/tháng, ông Thắng cũng cho rằng giá vé như thế là đắt.

Chủ tịch Hội cổ động viên bóng đá quốc gia Việt Nam - NSƯT Lê Đức Trung bức xúc: “Đã là quốc gia thì việc phát ngôn phải trước sau như một, chứ không thể bất nhất, báo cáo là đội tuyển quốc gia sau lại là đội tuyển các ngôi sao thì không thể chấp nhận được. Giá vé 1,5 triệu đồng/vé là quá cao, đề nghị BTC và nhà tài trợ nên giảm giá vé xuống để người hâm mộ còn có cơ hội đến sân xem các đội bóng yêu thích thi đấu.

Luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật Trường Sa phân tích: Việc ông Hỷ và BTC trận giao hữu tuyên bố những ngày qua là tự “mạo nhận” nhiệm vụ chính trị để lợi dụng làm kinh tế. Đơn cử, khi ông Chủ tịch VFF nói đội bóng Arsenal sang Việt Nam thi đấu với đội tuyển quốc gia Việt Nam, thì chỉ có những cầu thủ hiện đang là biên chế trong đội tuyển quốc gia mới được tham dự, chứ không thể có nhiều cầu thủ đã từ giã đội tuyển khá lâu, nay lại mời và nói là đội tuyển thì hoàn toàn chưa đúng và đủ. Theo tôi, khi ông Chủ tịch VFF đã phát ngôn trước công luận thì phải chính xác, trước sau như một, sao cho xứng tầm một “tư lệnh ngành” dám nói, dám chịu trách nhiệm.

Luật sư Trần Viết Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: Mục đích lớn nhất mời đội bóng Arsenal sang Việt Nam để đội tuyển quốc gia có cơ hội giao lưu, học hỏi, cọ sát cũng như quảng bá hình ảnh của nền bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, với những gì tôi được biết, được đọc, được nghe thì đây chỉ đúng với mục đích quảng bá vì lợi ích kinh tế của một nhóm quyền lợi mà thôi.

Kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo

Dư luận và người hâm mộ bóng đá đang vô cùng phẫn nộ với cách hành xử của “Liên quân” VFF-Eximbank-HAGL về thương vụ này. Họ đang bị “liên quân” cho ăn “trái đắng” bởi giá vé vào xem quá cao (1,5 triệu đồng/vé), rồi bị “đánh lừa” về các cầu thủ trong đội hình thi đấu không phải Đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Đáng chú ý là việc ông Chủ tịch VFF lại cho phép mình tự chọn lựa cầu thủ từ “nhà tài trợ 0 đồng” - có thể các cầu thủ này chưa từng là tuyển thủ quốc gia vào thi đấu. Như vậy có thể khẳng định, đây là một thương vụ làm ăn “đánh lừa” người hâm mộ của những “nhóm lợi ích” trong bóng đá, ở đây là “liên quân” VFF-Eximbank-HAGL.

Có hay không việc ông Chủ tịch VFF “mạo nhận” nhiệm vụ chính trị để làm kinh tế? Những khuất tất về thương vụ kinh doanh của BTC trận giao hữu bóng đá Arsenal - Việt Nam để người hâm mộ không bị BTC thu tiền bán vé quá cao? Đó là những vấn đề “nóng” kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng sớm làm rõ và có thông tin chính thức trước công luận.

CỘNG ĐỒNG MẠNG PHẪN NỘ VỚI “LIÊN QUÂN”

Thật là khôi hài

Trên Vnexpress, bạn đọc phongthanh123 bình luận: Bó tay với bóng đá Việt Nam, trận đấu được gọi là của đội tuyển quốc gia mà lại "...Riêng đội HAGL cũng sẽ có vài cầu thủ vì họ là nhà tài trợ chẳng lẽ không có ai góp mặt" thì đúng là khôi hài. Thôi thì cũng phải chịu phong cách nghiệp dư của bóng đá Việt.

Tôi sẽ không đến sân xem trận đấu này cho dù tôi là fan của pháo thủ, chỉ vì lý do phải bỏ ra quá nhiều tiền để đến xem các pháo thủ tập (Bùi Văn Thành).

VFF cứ giơ “nhiệm vụ chính trị” ra dọa

Công nhận, cái vụ này đâu có liên quan gì đến "nhiệm vụ chính trị" mà BTC kia cứ giơ ra để dọa người khác nhỉ? Chẳng qua chỉ là trò kinh doanh của một nhóm, hà cớ gì Nhà nước phải đứng ra chịu lỗ (nếu có) cho họ chứ. (Vũ, thiennhana2@yahoo.com).

Hay thật Arsenal sang Việt Nam tham gia "nhiệm vụ chính trị" cơ đó, đại diện VFF phát biểu với báo chí cứ như thật. Chỉ tội nghiệp người hâm mộ nào bỏ tiền ra mua vé để xem "Giao hữu" vô thưởng vô phạt, một trận đấu mà thắng hay thua cũng vui tại một đất nước nghèo có tiếng trên thế giới mà bỏ ra tận 40 tỷ, nói thật thế giới họ không khen đâu mà họ chê "hợm" đua đòi. (Nguyễn Phương Hải, hanoihai@gmail.com)

Phải xem lại khái niệm "nhiệm vụ chính trị". Chúng ta đã quen quan trọng hóa vấn đề, mời một đội bóng sang đá giao hữu là một việc làm hết sức bình thường. Nếu trận đấu phục vụ cho một sự kiện mang màu sắc chính trị (nhân dịp ngày Giải phóng Thủ đô, kỷ niệm ngày thành lập Đảng ,...) thì việc tổ chức trận đấu là một nhiệm vụ chính trị. Xin hãy tôn trọng công luận. Ngày xưa nếu có đội bóng lớn đến đá giao hữu (với đội hình có một số ngôi sao) thì sẽ làm nức lòng người hâm mộ, còn bây giờ thi cũng bình thường vì đã có truyền hình phát triển.(Đường Hình, Huong.dang62@Yahoo.com.vn)

Chỉ béo mấy ông liên đoàn và doanh nghiệp

Xét cho cùng người hâm mộ cũng chỉ là con gà thôi, béo mấy ông liên đoàn và doanh nghiệp. Liên đoàn là tổ chức "xã hội nghề nghiệp" không phải tổ "chính chính trị xã hội" nên đừng nói vậy, VFF bê bối thế nào thì cả VN biết rồi. Một trận đấu không có ý nghĩa chuyên môn, phí tiền, chẳng nhẽ bóng đá VN cũng đang thừa tiền để đầu tư bóng đá trẻ và bóng đá nữ. Những người thực sự yêu và am hiểu bóng đá không bao giờ bỏ tiền cho những trận đấu "đá cho vui và kiếm tiền là chính" cả, khổ những "con gà" thôi.(Tran Sam, samhai@gmail.com)

Là một người hâm mộ thể thao, tôi thấy việc làm của BTC mà đứng đầu là VFF như vậy thật "làm hàng". Người hâm mộ rất mong trận đấu này, nhưng kiểu "chiêu trò" với mục đích để tăng giá vé như vậy thì người bị thiệt thòi nhất là những người hâm mộ đội chúng tôi. Kiểu PR của VFF là quá nhiều trong giới tổ chức sự kiện. Hơn nữa, vừa qua báo chí nêu ra là việc này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa hề được thông qua, vậy mà lại lấy danh nghĩa "quốc gia". Thực chất đây chỉ là một chiêu trò đánh bóng tên tuổi thì có. (Bắc Phong, Changtraikinhbac99@gmail.com)

Lương công chức chỉ đủ sống qua ngày. Sinh viên ra trường thì không có việc làm. Đi làm hợp đồng cho các cơ quan hành chính thì khoảng 1 triệu đồng/tháng. Cầm đồng lương ra chợ, đi vòng quanh coi cái nào rẻ thì mua, nhưng cũng cầm cự qua ngày qua tháng chứ không có tiền đưa con đi chơi đâu. Đưa con đi đường, con uống nước, cha mẹ ngồi không, không dám uống vì không còn tiền. Đó là tình trạng của tôi và bạn tôi. Một thạc sĩ, giảng viên đại học ra trường hơn 10 năm cũng chỉ có vậy. Đừng nói là tôi bất tài nhé vì tôi còn làm Phó Trưởng khoa cơ đấy. Sao nghe chuyện vé xem bóng đá cao thế mà tủi thân. Nghĩ cũng buồn cho thân phận "trí thức". (Tiến Lê, letiencong2002@gmail.com).

Nên ở nhà xem ti vi

Người hâm mộ nên ở nhà xem ti vi, càng ngày người hâm mộ quay lưng với bóng đá Việt Nam càng nhiều là phải. Nếu công bố số tiền thu về từ trận đấu được nguyên góp làm từ thiện thì sao nhỉ, đã giàu rồi còn muốn “hút máu” thêm thật quá nhẫn tâm. Mình thiết nghĩ LĐBĐVN cần người hâm mộ hơn là người hâm mộ cần bóng đá Việt Nam. Hàng triệu trái tim Việt Nam càng “đóng băng” hơn khi có những vụ scandal thế này?  (hieungo, ngoanhhieu81@gmail.com)

Tôi không mua vé, mà ngồi xem vô tuyến để xem họ hét giá vé cao cho ai (email trongthuat1953@gmail.com)

Tôi thật sự hâm mộ tuyển Ars nhưng với giá vé này thì thà ngồi quán bia với bạn bè cổ vũ còn hơn (kim thanh, thanhntk@yahoo.com)

Các bạn nghĩ sao khi chúng ta cùng nhau ngồi nhà xe tivi để cho BTC một lần phải ăn trái đắng, lầm sau người hâm mộ sẽ được tôn trọng hơn (Tuan, dau_cu_hanh@yahoo.com)

Tẩy chay trận đấu

Cứ ầm ĩ lên giá cao thế dân tẩy chay không có bóng nào đi xem hoặc cực kỳ thưa thớt và chỉ có một số phòng VIP là có khách xem trận này mới thực sự là hay cơ... đề nghị bán giá cao nữa vào (vuduytan, vuduytan@gmail.com)

Người hâm mộ rất chờ đợi những trận đấu như thế này, nhưng không phải kiểu BTC hành xử như thế này, họ sẽ dựa vào scandal để ép giá vé cao ngất ngưởng. Tôi nghĩ chúng ta nên kêu gọi người hâm mộ tẩy chay không xem trận đấu này nữa.

Nguyễn Thanh Liêm