Chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường lần thứ 4

Tiêu điểm - Ngày đăng : 17:43, 16/09/2014

Trong 2 ngày 15, 16/9, TANDTC Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Cuộc họp Nhóm Thẩm phán chuyên trách về môi trường chuẩn bị cho Hội nghị Bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường lần thứ 4 sẽ được tổ chức tại Hà Nộị.

Tham dự cuộc họp có đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á; các Thẩm phán chuyên trách về môi trường của Tòa án tối cao Thái Lan, Campuchia, Lào, Philipines, Indonesia, Myanma, Malaysia và Việt Nam. Ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Việt Nam; ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC Việt Nam và bà Kala Mulqueeny, Luật sư chính Ngân hàng Phát triển Châu Á chủ trì cuộc họp.

Chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường lần thứ 4

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu khai mạc cuộc họp

Phát biểu khai mạc cuộc họp, thay mặt lãnh đạo TANDTC Việt Nam, Phó Chánh án Thường trực Bùi Ngọc Hòa nhấn mạnh: Chúng ta rất vui mừng vì mối quan hệ hợp tác của Tòa án các nước ASEAN ngày càng sâu rộng và đang cùng nhau phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt các trọng trách của mình nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho mỗi quốc gia, khu vực và trên thế giới. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các nước ASEAN đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về môi trường, có tác động rất lớn đến các quốc gia. Trong bối cảnh đó, cuộc họp là cơ hội để các nước trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN, của nhóm Thẩm phán chuyên trách về môi trường và chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án về môi trường.

Chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường lần thứ 4

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC Ngô Cường  và bà Kala Mulqueeny chủ trì cuộc họp

Sau lễ khai mạc, các đại biểu đã nghe bà Kala Mulqueeny, Luật sư chính Ngân hàng Phát triển Châu Á giới thiệu tổng quan và cập nhật các hoạt động hợp tác từ Hội nghị bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường lần thứ 3; báo cáo của các quốc gia ASEAN về tiến độ thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung về môi trường (Tuyên bố Jakarta) kể từ Hội nghị bàn tròn lần 3.

Chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường lần thứ 4

Toàn cảnh cuộc họp Nhóm Thẩm phán chuyên trách về môi trường

Theo đó, Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường là Hội nghị có quy mô cấp khu vực ASEAN và Mạng lưới các Thẩm phán châu Á về môi trường (Mạng lưới AJNE). Đây là một mạng lưới liên châu Á dành cho các Thẩm phán chuyên trách về môi trường. Mạng lưới AJNE là một mạng lưới hợp tác tư pháp nhằm đảm bảo nguyên tắc pháp quyền trong lĩnh vực môi trường và nâng cao chất lượng hoạt động xét xử các vụ án môi trường. Mạng lưới này thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động hợp tác trong khu vực, tiểu khu vực và tại từng quốc gia nhằm nâng cao năng lực xét xử các vụ án về môi trường, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực pháp luật môi trường. Mạng lưới AJNE hỗ trợ hoạt động trao đổi giữa các Thẩm phán từ hệ thống Tòa án các nước thông qua hình thức trao đổi trực tiếp và trao đổi trực tuyến nhằm thực thi cam kết quốc gia thực hiện các hoạt động cụ thể, nâng cao năng lực của các hệ thống Tòa án và bộ máy các cơ quan tổ chức hoạt động cũng như thực thi pháp luật môi trường.

Mạng lưới AJNE cũng đảm bảo duy trì hoạt động hợp tác tư pháp thông qua những hội nghị được tổ chức định kỳ ở cấp khu vực và tiểu khu vực. Ở cấp khu vực, mạng lưới hoạt động thông qua Hội nghị chuyên đề Thẩm phán Châu Á về môi trường, Ngân hàng phát triển Châu Á, Tòa án tối cao Philippinies, Cơ quan môi trường Liên hợp quốc và các tổ chức khác đã phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề này tại Trụ sở Ngân hàng ADB (Malila-  Philippinies) vào tháng 7/2010 và tháng 12/2013.

Chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường lần thứ 4

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp

Ở cấp tiểu khu vực, mạng lưới AJNE hoạt động thông qua Hội nghị bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường và hội nghị bàn tròn tư pháp Nam Á về môi trường tại nhiều quốc gia. Ở cấp quốc gia, Ngân hàng ADB đã hỗ trợ các sáng kiến về môi trường của các hệ thống Tòa án. Hệ thống Tòa án các nước đã thành lập các Tòa chuyên trách về môi trường, Hội đồng xét xử chuyên trách về môi trường, ban hành các nguyên tắc tố tụng và thực hiện những cam kết khác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xét xử các tranh chấp môi trường. Những kết quả này đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành Chính phủ có liên quan với một mục tiêu chung nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường và xây dựng một hệ thống pháp luật môi trường thống nhất tại từng quốc gia.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào 3 chủ đề chính. Chủ đề 1, đi sâu làm rõ việc hợp tác giữa các hệ thống Tòa án ASEAN; các thành viên Nhóm Thẩm phán chuyên trách đã đưa ra các ý kiến đối với các kiến nghị được đề xuất tại Hội nghị bàn tròn lần thứ 3 nhằm thực hiện bản Tuyên bố Jakarta, cùng thảo luận về cách thức thực hiện những kiến nghị này một cách có hiệu quả. Các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm và bài học rút ra trong quá trình thực hiện và đề xuất mới nhằm giúp Tòa án các quốc gia ASEAN giải quyết hiệu quả hơn những thách thức về môi trường thông qua sự hợp tác trong khu vực. Chủ đề 2, đi sâu thảo luận về Mạng lưới Thẩm phán Châu Á về môi trường và những đóng góp của họ đối với Mạng lới AJNE. Chủ đề 3, tập trung làm rõ về hợp tác giữa Tòa án các quốc gia ASEAN trên bình diện đa phương và song phương. Ngoài việc tham dự các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm trong việc xét xử các vụ án về môi trường, Tòa án các nước ASEAN cũng tham dự các diễn đàn khác như Hội nghị Chánh án các nước Châu Á- Thái Bình Dương. Các diễn đàn này là cơ hội tốt để Chánh án, Thẩm phán các nước gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm xét xử và nâng cao hoạt đông xét xử…

Cũng tại cuộc họp này, các đại biểu đã cùng nhau xây dựng chương trình và nội dung làm việc chính của Hội nghị bàn tròn Chánh án các quốc gia ASEAN về môi trường lần thứ 4 sẽ được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam). Theo dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức vào khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2014. TANDTC Việt Nam sẽ gửi bản dự kiến chương trình và đề nghị các nước gửi bản tham luận để TANDTC Việt Nam biên dịch và đóng tài liệu, đồng thời gửi tài liệu cho Tòa án các nước qua địa chỉ email để đại biểu nghiên cứu trước khi đến dự Hội nghị.

Kết luận cuộc họp, Phó Chánh án TANDTC Bùi Ngọc Hòa cảm ơn các đại biểu đã tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, đây đều là những vấn đề đang được các quốc gia quan tâm. Kết quả cuộc họp này sẽ là tiền đề để đưa vào nội dung chương trình Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam).

Trần Minh Giang