Trường Cán bộ Tòa án khai giảng lớp đào tạo Thẩm phán đầu tiên tại TP.HCM
Tiêu điểm - Ngày đăng : 11:28, 18/07/2014
Đến dự buổi lễ có ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án TANDTC; ông Chu Xuân Minh, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Tòa án; lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Thành ủy, TAND TP Hồ Chí Minh.
Khóa học đầu tiên đào tạo Thẩm phán tại TP Hồ Chí Minh có hai lớp, gồm 111 học viên là thư ký của Tòa phúc thẩm, Cơ quan thường trực TANDTC tại phía Nam và TAND hai cấp TP Hồ Chí Minh, thời gian đào tạo là 6 tháng. Ông Chu Xuân Minh, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Tòa án cho biết, chương trình đào tạo Thẩm phán của trường vừa được xây dựng, còn nhiều hạn chế, rất mong các giảng viên, học viên trong quá trình giảng dạy và học tập, nếu phát hiện có những bất cập thì kịp thời thông báo cho trường để điều chỉnh cho phù hợp. TP Hồ Chí Minh có lợi thế rất lớn trong việc mở lớp đào tạo Thẩm phán, là nơi có đội ngũ giảng viên đông đảo, có kiến thức chuyên môn tốt, có kinh nghiệm xét xử.
Phát biểu chỉ đạo lớp học, Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng đánh giá cao nỗ lực của Trường Cán bộ Tòa án, Vụ Tổ chức cán bộ, TAND TP Hồ Chí Minh và sự giúp đỡ to lớn của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán có kiến thức vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; có kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức; bản lĩnh, có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ con người là một yêu cầu cấp thiết. TP Hồ Chí Minh là một trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội lớn của cả nước nên các loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không ngừng tăng lên, với số lượng rất lớn, tính chất ngày càng phức tạp. Do đó, nhu cầu bổ sung cán bộ, đào tạo Thẩm phán rất lớn. Với thời gian đào tạo là 6 tháng, rút ngắn rất nhiều so với các lớp đào tạo Thẩm phán của Học viện Tư pháp nhưng nội dung chương trình không hề giảm.
Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng phát biểu chỉ đạo
Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng nhắc nhở các học viên, tham dự lớp này là một vinh dự, là tiền đề quan trọng trên bước đường phát triển nghề nghiệp. Các học viên phải ý thức rõ trách nhiệm, nắm bắt thời cơ, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện để từng bước hoàn thiện kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất mà một cán bộ Thẩm phán cần phải có. Về phần giảng viên, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, coi việc lên lớp đúng lịch, có chất lượng là nhiệm vụ chính trị được giao. Phương pháp giảng dạy phải đảm bảo truyền tải các nội dung cơ bản của giáo trình, không quá chú trọng về lý thuyết mà phải kết hợp giữa lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Tập trung vào kỹ năng và kinh nghiệm áp dụng các quy định của pháp luật vào các vấn đề cụ thể cần xử lý trong quá trình giải quyết vụ án; giảng dạy theo phương pháp gợi mở, cùng học viên trao đổi, giải quyết vấn đề, tránh độc diễn một chiều, đặc biệt ở phần thực hành, diễn án cần đưa ra nhiều tình huống ngắn gọn, đã xảy ra trong thực tiễn để học viên trao đổi, đưa ra hướng xử lý, qua đó rèn luyện các kỹ năng sát với chủ đề của từng bài giảng. Để làm được điều này, bản thân các giảng viên phải có kiến thức về lý luận và thực tiễn phong phú, chuẩn bị giáo án chu đáo.
Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng đề nghị lãnh đạo các đơn vị có giảng viên tham gia giảng dạy có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các giảng viên thực hiện nhiệm vụ.
Quang Trung