Cách ly xã hội là tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ tính mạng của nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 10:31, 01/04/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nội dung trên tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, khai mạc sáng nay (1/4).

Cách ly xã hội là tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ tính mạng của nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nếu chúng ta không cương quyết thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới 21 bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và TP. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phiên họp diễn ra trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong.

Trong bối cảnh như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch đạt kết quả tốt đẹp. Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31/3, có đặt vấn đề cách ly xã hội.

Giải thích thêm về vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt thời gian công việc.

Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, vấn đề một số nước đã vấp phải.

“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”.

15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc kiểm soát dịch

Trong 15 ngày tới là thời điểm quyết định để ngăn chặn dịch. Nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã nêu. Các cấp, các ngành phải tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp có thể có để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống của các cơ quan có chức năng.

“Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người dân. Tôi xin nhắc lại thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch. Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch, Thủ tướng đề nghị.

Việt Nam có kinh tế đứng vững trước khó khăn, không gục ngã

Đối với tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nước ta gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, hạn hán, mặn xâm nhập; giá dầu giảm sâu xuống mức 20USD, trong khi dự toán ngân sách 60USD. Đặc biệt, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới thế giới và trong nước nên nhiều chuỗi cung ứng và tiêu thụ của nước ta bị đứt gãy.

Thủ tướng cũng cho biết, Tổng giám đốc IMF, Bloomberg, Tổng thư ký LHQ đều nói ý kinh tế thế giới năm nay sẽ suy thoái, thậm chí nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ 0%. Một số nước còn tăng trưởng âm.

Trong bối cảnh ấy, chúng ta không gục ngã mà vẫn tăng trưởng đứng đầu khu vực ASEAN. Thủ tướng cho biết, sáng nay, Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Việt Nam có kinh tế đứng vững trước khó khăn, không gục ngã mà còn tăng trưởng 3,82% trong quý 1, dù là thấp nhất cùng kỳ quý 1 trong 10 năm qua, nhưng lại là cao so với nhiều nước. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, lo cho người dân, nhất là người nghèo, thất nghiệp; tiếp tục thảo luận và ban hành các chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư công, đảm bảo an ninh trật tự...

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận, thống nhất về hỗ trợ an sinh xã hội để sau phiên họp này, Chính phủ có thể công bố ngay các gói hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.

Trước việc sản xuất trong nước bị sụt giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế nhiều địa phương rất thấp, như Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng chỉ 1%, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận các giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có thảo luận các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là việc thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng với các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ.

Theo báo cáo, tăng trưởng của Việt Nam trong Quý I/2020 đạt 3,82%. Đây là mức tăng trưởng kinh tế của Quý I thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể từ Quý I/2009).

Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua do gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%).

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; một số khu vực nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá như chăn nuôi…

Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm mạnh khách du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,8%; tính chung 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019; CPI bình quân quý 1/2020 tăng 5,56% so với bình quân quý 1/2019.

Điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất khẩu khu vực trong nước tăng mạnh 8,7%, nhập khẩu giảm 3,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang giảm mạnh. Tình hình đăng ký mới doanh nghiệp có phần chững lại, mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Xuất hiện xu hướng doanh nghiệp tạm rút khỏi thị trường, tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, "đóng băng" hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng "ngủ đông". Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng.

 

Xuân Lan