Chuyên gia dịch tễ: Không được chủ quan khi ca mắc Covid-19 giảm
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:10, 06/04/2020
Giai đoạn 2 của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 6/3 với việc phát hiện liên tiếp những ca có yếu tố dịch tễ khác hoàn toàn với những ca ở giai đoạn đầu, chủ yếu từ châu Âu về Việt Nam. Số ca mắc tại Việt Nam lên đỉnh điểm vào ngày 22/3 với 19 ca và sau đó có xu hướng tăng nhẹ và giảm dần.
Sáng nay (6/4) là buổi sáng thứ 2 liên tiếp nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 nào. Hiện tổng số ca mắc vẫn là 241 trường hợp, trong đó 150 người từ nước ngoài chiếm 62,2%, 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa.
Riêng hôm qua (5/4), cả nước chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca mắc Covid-19. Đến nay cả nước đã có 95 ca Covid-19 được công bố khỏi bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng
Đánh giá về tình hình dịch bệnh những ngày qua, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, các ca mắc mới giảm bởi Việt Nam đã triển khai biện pháp mạnh mẽ là tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh. Thực tế, khi số người nhập cảnh đã giảm thì số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm hẳn.
Tuy nhiên, PGS Phu khẳng định, hiện tại, vẫn chưa thể đánh giá được tình hình dịch bệnh. Bây giờ mối quan tâm chính là các ca trong cộng đồng.
Nếu như ở giai đoạn 1, mục tiêu của Việt Nam là làm chậm thời gian xuất hiện dịch, từ đó làm chậm quá trình bùng phát dịch, thì thực tế, chúng ta đã làm mạnh các biện pháp khoanh vùng, cách ly và dập dịch nên dịch diễn biến chậm, đến giờ vẫn chưa bùng. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2 với những diễn biến về dịch tễ khác với giai đoạn đầu và số ca mắc, nhất là ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, nếu Việt Nam không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước.
Nhấn mạnh lại nguyên tắc phòng chống dịch của Việt Nam vẫn tuân thủ ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch, điều trị, ông Phu nói, những ổ dịnh như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP.HCM) chúng ta đã xử lý tốt, nên "dịch không bùng phát".
Dẫn chứng bằng ca bệnh thứ 237, người Thụy Điển vừa được xác định có lịch trình khá phức tạp. Đến giờ ngành y tế vẫn chưa xác định được nguồn lây của bệnh nhân này. “Chưa chắc bệnh nhân 237 lây bệnh từ nước ngoài vào mà có thể lây từ trong nước. Nếu lây trong nước thì lây từ người nước ngoài hay người Việt Nam. Đó vẫn là câu hỏi. Ở giai đoạn 2 với những diễn biến về dịch tễ khác với giai đoạn đầu và số ca mắc, nhất là ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, chúng ta phải quyết liệt nếu không toàn bộ công sức của giai đoạn một sẽ đổ sông đổ biển”, ông Phu nói.
Ông Phu nhấn mạnh, giai đoạn này người dân không được chủ quan, đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội, cách ly xã hội. "Giãn cách xã hội thực chất là không cho người bệnh tiếp xúc người lành và ngược lại. Người này không lây người kia, gia đình này không lấy gia đình khác, xã này không lây xã,… như vậy mới tiến tới khống chế được dịch", vị chuyên gia nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhận định: “Trong 15 ngày tới, nếu dịch có chiều hướng giảm, chúng ta có thể lới lỏng giãn cách xã hội, nhưng sẽ có các biện pháp khác phù hợp với tình hình dịch bệnh. Bởi dịch vẫn còn kéo dài”.