Trẻ em ít mắc COVID-19, nhưng vẫn truyền virus

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:18, 14/03/2020

Vì những lý do chưa rõ, trẻ em hiếm khi có các triệu chứng nghiêm trọng khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và thậm chí có thể ít mắc.

Trẻ em ít mắc COVID-19, nhưng vẫn truyền virus

Cho đến nay, 29 quốc gia - bao gồm Ireland, Trung Quốc, Ý, Ba Lan và Nhật Bản - đã đóng cửa các lớp học trên toàn quốc, ảnh hưởng đến gần 400 triệu trẻ em.

Nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ sơ sinh, trẻ chập chững và thanh thiếu niên không mang mầm bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra – loại virus đã lây từ động vật sang người ở miền Trung Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Tính đến hết ngày hôm qua (13/3), đã có hơn 140.000 trường hợp được xác nhận tại 124 quốc gia, với hơn 5.000 trường hợp tử vong.

Các chuyên gia ước tính rằng số lượng người nhiễm virus thực sự còn cao hơn thế rất nhiều, bởi nhiều người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì.

"Chúng tôi biết trẻ em cũng bị nhiễm virus, nhưng chúng dường như không bị bệnh nặng hay tử vong", Justin Lessler, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết.

"Những gì chúng ta không biết là những đứa trẻ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ này có thể truyền virus đi như thế nào", ông nói với AFP. "Đây là chìa khóa để hiểu vai trò của trẻ em mang virus trong việc đối phó với dịch bệnh."

Trong một nghiên cứu từ giữa tháng 2 đối với 44.000 trường hợp được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 trong và xung quanh thành phố Vũ Hán, nơi đại dịch khởi phát, thì độ tuổi từ 10 đến 19 chỉ chiếm 1% các ca dương tính với virus và chỉ có một trường hợp tử vong.

Bệnh nhân dưới 10 tuổi thậm chí còn ít hơn 1% và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.

"Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu vì những người dưới 20 tuổi lại ít bị bệnh covid-19 hơn", Cecile Viboud, một nhà dịch tễ học tại Trung tâm Quốc tế Fogarty của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết.

Có một số giả thuyết về lý do tại sao trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, ít bị các triệu chứng nghiêm trọng.

Sharon Nachman, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Nhi tại Bệnh viện Stony Brook ở bang New York, nhận xét: "Trẻ em thường mắc rất nhiều bệnh trong những năm đầu đời. Có thể vì thế mà hệ thống miễn dịch của chúng được điều chỉnh và phản ứng tốt với các loại virus mới".

Dù lý do là gì đi nữa, trẻ em vẫn là đối tượng dễ dàng truyền virus cho người khác mặc dù không bị bệnh – việc này "có liên quan trực tiếp đến ý tưởng đóng cửa trường học trong mùa dịch", theo Viboud.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết tất cả các trường học ở Pháp - từ mẫu giáo đến đại học - sẽ đóng cửa vào thứ Hai, cho đến khi có thông báo mới.

Cho đến nay, 29 quốc gia - bao gồm Ireland, Trung Quốc, Ý, Ba Lan và Nhật Bản - đã đình chỉ các lớp học trên toàn quốc, ảnh hưởng đến gần 400 triệu trẻ em, theo UNESCO. 20 quốc gia khác đã thực hiện một phần biện pháp đóng cửa trường học.

Một số ý kiến ​​cho rằng việc giữ trẻ không tới lớp không có tác dụng lớn mà lại dễ gây xáo trộn xã hội và rằng việc giữ trẻ ở nhà có thể khiến người già mắc bệnh.

Trẻ em ít mắc COVID-19, nhưng vẫn truyền virus

Một số chuyên gia cho rằng việc giữ trẻ em ở nhà có thể khiến người già dễ mắc bệnh hơn.

Keith Neal, giáo sư dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham cho rằng "việc cho trẻ ở nhà có thể làm cho dịch bệnh hoặc khả năng quản lý trở nên tồi tệ hơn".

Chẳng hạn, điều đó có thể dẫn đến việc giảm số lượng nhân viên y tế chăm sóc người bệnh và "sự gia tăng số lượng ông bà phải chăm sóc cháu, trong khi họ lại là nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều", giáo sư Keith Neal nói.

Thomas House, một nhà thống kê tại Đại học Manchester, cho biết việc cho trẻ ở nhà có những ưu và nhược điểm. "Nó giúp ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng, nhưng nó lại tạo ra một vấn đề rộng lớn trong xã hội, đó là ảnh hưởng tới nền giáo dục", ông nói.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều ủng hộ việc đóng cửa các trường học để làm chậm tốc độ lây lan của bệnh và phân phối số ca bệnh nguy hiểm trong một khoảng thời gian dài hơn để giúp các đơn vị chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện không trở nên quá tải, như đã xảy ra ở Vũ Hán và Ý.

Các bác sĩ ở cả Trung Quốc và Ý đã mô tả sự quá tải này bằng một ví dụ cụ thể: khi một bệnh nhân được sử dụng máy hô hấp thì cũng trong lúc đó một hoặc nhiều người khác cũng có nhu cầu như vậy đã tử vong vì không được sử dụng máy.

Theo bà Sharon Nachman, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Nhi tại Bệnh viện Stony Brook ở bang New York, việc đóng cửa các trường học là "một biện pháp rất hợp lý".

"Chúng tôi cho rằng tất cả trẻ em sẽ bị nhiễm virus", cô nói trong một cuộc phỏng vấn. "Nhưng nếu bọn trẻ truyền virus sang cho cha mẹ chúng và những người họ hàng khác, việc đó sẽ cần một khoảng thời gian dài hơn."

"Thay vì làm cho một trăm người bị bệnh vào ngày mai, chúng ta sẽ bị bệnh mười lần trong mười ngày tiếp theo, điều đó có nghĩa là ít người vào bệnh viện cùng một lúc".

Trâm Anh (theo AFP)