Ăn nhiều đường sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:21, 29/02/2020

Nghiên cứu mới của châu Âu phát hiện ra rằng chúng ta ăn càng nhiều đường thì tiêu thụ càng ít vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn hàng ngày.

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của trường Đại học Lund ở Thụy Điển và đã xem xét dữ liệu được thu thập từ hai nhóm nghiên cứu khác nhau.

Nhóm thứ nhất có 1.797 người tham gia với độ tuổi từ 18 đến 80, những người này có chế độ ăn uống được đánh giá thông qua nhật kí thực phẩm 4 ngày.

Một nhóm khác có 12.238 người từ 45 đến 68 tuổi, những người này được đánh giá chế độ ăn bằng cách sử dụng kết hợp nhật kí thực phẩm 7 ngày, một bảng câu hỏi thực phẩm và một cuộc phỏng vấn.

Ăn nhiều đường sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?

Theo một nghiên cứu, sự gia tăng trong lượng đường bổ sung hấp thụ vào cơ thể dường như có liên quan đến việc giảm tiêu thụ các vitamin và khoáng chất.

Từ dữ liệu này, các nhà nghiên cứu có thể xem xét lượng đường bổ sung của người tham gia và lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày của 9 chất dinh dưỡng: canxi, folate, sắt, magie, kali, selen, vitamin C, vitamin D và kẽm. Lượng đường này được thêm vào thức ăn và đồ uống trong quá trình chế biến chứ không phải lượng đường tự nhiên trong hoa quả, rau củ và sữa.

Các phát hiện được công bố trên tạp chí Nutrition & Metabolism cho thấy trong cả hai nhóm người tham gia, lượng đường bổ sung càng cao, lượng tiêu thụ của 9 vitamin và các khoáng chất càng thấp.

Ăn quá nhiều đường có thể gây ra một số bệnh và các vấn đề sức khỏe, bao gồm sức khỏe răng miệng kém, béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch. Mức tối đa tiêu thụ lượng đường vào cơ thể thay đổi theo từng nước.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khuyến nghị về dinh dưỡng Bắc Âu - một hướng dẫn về chế độ ăn uống cho người dân Bắc Âu cho rằng lượng đường thêm vào cơ thể không nên quá 10% tổng năng lượng. Trong khi đó, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu nói răng không đủ dữ liệu khoa học để đặt giới hạn cho đường.

Nhà nghiên cứu Esther González-Padilla: “Việc lựa chọn lượng đường bổ sung, thay vì các loại đường khác được thực hiện với mục đích xem xét hiệu quả tổng thể của chất lượng chế độ ăn kiêng.”

“Đường bổ sung không phải là một phần của thức ăn và đồ uống một cách tự nhiên, nó được thêm vào thực phẩm và đồ uống trong quá trình chế biến, sản xuất hoặc tại bàn cho các mục đích khác nhau và do đó không thực sự cần thiết trong chế độ ăn uống của chúng ta.

“Tuy nhiên, để có thể xác định được giới hạn rõ ràng của lượng đường bổ sung, việc giảm các chất dinh dưỡng cần được tăng cường đáng kể. Điều này chúng tôi không quan sát trong nghiên cứu.”

“Mặc dù nghiên cứu này là không đủ để thay đổi các khuyến nghị, nhưng nó bổ sung thêm bằng chứng có giá trị cho kiến thức mà chúng ta có để có thể điều chỉnh các khuyến nghị trong tương lai.”

Thảo Vân (Theo The Star)