Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh: Trao y đức nhận niềm tin
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:30, 12/02/2020
Cuối năm 2016, BVĐK huyện Đức Thọ triển khai xây dựng chạy thận nhân tạo với kinh phí gần chục tỷ đồng, trong đó Sở Y tế Hà Tĩnh tài trợ 5 máy chạy thận nhân tạo, còn lại là kinh phí tự chủ của bệnh viện, đến năm 2017, thì đi vào hoạt động. Kỹ thuật chạy thận nhân tạo được BVĐK Đức Thọ tiếp nhận theo hình thức “cầm tay chỉ việc” của Khoa Thận - Bệnh viện Bạch Mai.
Sau 3 năm đưa đơn vị chạy thận nhân tạo vào hoạt động tại BVĐK huyện Đức Thọ, hiệu quả đã thấy rõ, bệnh nhân không còn vất vả như trước, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Người bệnh nhiều nơi mong mỏi được chạy thận gần nhà nhưng việc cung cấp dịch vụ hiện còn hạn chế.
Bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ được chăm sóc tận tình, chu đáo.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo trên địa bàn lâu nay đều phải lên BVĐK tỉnh, ra Vinh, thậm chí ở cả Hà Nội. Dịch vụ kỹ thuật này chia sẽ được với bệnh nhân rất nhiều, không chỉ giúp họ tiết kiệm chi phí mà còn tạo cho họ một cuộc sống ổn định hơn để có thể tham gia lao động sản xuất phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Dù biết là loại dịch vụ y tế không thu lời, thậm chí có thể phải bù lỗ vì vật tư tiêu hao và chi phí phục vụ cho một ca chạy thận rất tốn kém nhưng bệnh viện quyết tâm đưa vào phục vụ.
Đối với BVĐK huyện Đức Thọ, việc triển khai các đơn vị chạy thận nhân tạo đã tạo thuận lợi cho bệnh nhân trong huyện và các huyện Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Vũ Quang. Thời gian đầu, bệnh viện có 5 máy phục vụ cho 34 bệnh nhân. Sau đó, bệnh viện được bổ sung thêm thành 8 máy, ngày chạy 3 ca, đáp ứng nhu cầu chạy thận cho 48 bệnh nhân. Được biết, từ khi triển khai chạy thận nhân tạo đến nay, bệnh viện đã chạy hơn 10.000 lượt cho các bệnh nhân.
Ông Nguyễn Đình Sơn – Giám đốc bệnh viện đang ân cần hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Đình Sơn – Giám đốc BVĐK Đức Thọ cho biết: "Xét về nhu cầu, đơn vị phải có từ 15-20 máy mới đáp ứng đủ. Hiện tại, có hơn 20 bệnh nhân đã đăng ký để chạy nhưng bệnh viện chưa có máy nên đành phải chờ. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ vận dụng nhiều nguồn kinh phí để đầu tư thêm 4 máy đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, để sớm thực hiện được mục tiêu, phục vụ đủ nhu cầu người dân, rất mong tỉnh và ngành tiếp tục hỗ trợ đầu tư để bệnh viện được mở rộng cơ sở vật chất, lắp đặt thêm máy."
Là bệnh viện tuyến huyện, hàng ngày tiếp nhận nhu cầu khám, điều trị lượng lớn bệnh nhân trên toàn địa bàn tỉnh. Trong năm vừa qua, bệnh viện đã khám cho 98.620 lượt người, (đạt 108 % kế hoạch); công suất giường bệnh đạt cao, tỷ lệ chuyển tuyến giảm. Trong thời gian qua, bệnh viện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế: Hệ thống Labo xét nghiệm, khu phẫu thuật gồm các phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế, trên 90% phòng điều trị và phòng kỹ thuật được lắp đặt điều hòa nhiệt độ. Khu thường trực cấp cứu của bệnh viện được cải tạo, đầu tư thêm các thiết bị y tế hiện đại, giá trị hàng tỷ đồng.
Một ca mổ ở Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ.
Ông Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc bệnh viện chia sẻ thêm: "Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục ứng dụng triệt để CNTT vào tất cả các khâu của hoạt động bệnh viện, dần số hóa các hoạt động KCB, nâng cao chất lượng các dịch vụ, tiến tới xây dựng bệnh viện thông minh là mục tiêu đã và đang được hiện thực hóa tại bệnh viện. Từ đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ của đội ngũ, hoàn thiện hơn trong cung cách phục vụ đến ứng dụng công nghệ thông tin đều vì một mục tiêu chung là hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân. Chúng tôi luôn mong muốn mỗi ngày trôi qua là một ngày bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy cho mỗi bệnh nhân trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân”.