Hà Nội lại ô nghiễm không khí nghiêm trọng, ở mức nguy hại cho sức khoẻ

Sức khỏe - Ngày đăng : 13:47, 14/01/2020

Sáng 14/1, tại các điểm quan trắc, toàn TP Hà Nội tím rực - ở ngưỡng rất xấu xen kẽ với màu đỏ có hại cho sức khỏe.

Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), UBND TP Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều chuyển màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe và hơn 10 điểm quan trắc chuyển màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe.

Cụ thể, khu vực AQI cao nhất tiếp tục là Tây Hồ với chỉ số lên đến 296, tiếp theo là Tràng Tiền - 233, Trung Hòa - 223, Thành Công - 224, Bắc Từ Liêm - 229, Hàng Đậu - 230. TP cũng có một số điểm AQI dưới 200, nhưng cũng vẫn rất cao như Tây Mỗ - 198, Dịch Vọng - 196, Kim Liên - 190.

Hà Nội lại ô nghiễm không khí nghiêm trọng, ở mức nguy hại cho sức khoẻ

Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí kinh khủng nhất

Đây là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất từ đầu năm 2020. Từ 1/1, chất lượng không khí ở thủ đô duy trì trong khoảng trên dưới 150 đơn vị, đến hôm nay mới ghi nhận nhiều điểm có mức AQI trên 200.

Air Visual xếp hạng Hà Nội đứng thứ 4/95 TPcó mức độ ô nhiễm không khí nhất thế giới, chất lượng không khí tệ hơn tất cả các TP của Trung Quốc; TP.HCM xếp hạng thứ 19/95 TP ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Trước đó, Bộ Y tế có khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên (chỉ số AQI từ 150), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời.

Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cục Quản lý Môi trường y tế đưa ra lưu ý: Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Chí Tâm