Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường hoàn toàn khách quan, khoa học

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:35, 21/12/2019

Ngày 5/12 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Nội dung được nhiều người quan tâm tại Thông tư này là quy định các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải bổ sung đủ 21 loại vi chất. 

Cơ sở của việc bổ sung đa vi chất vào sữa học đường? 

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và tính khách quan của việc quyết định bổ sung 21 vi chất vào các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường ra sao?

Về việc ban hành Thông tư nói trên, Bộ Y tế nêu rõ, trong quá trình xây dựng Thông tư, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nghiên cứu và có văn bản đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Chúng tôi đã liên hệ với Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tìm hiểu xem việc đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường được Viện này căn cứ trên cơ sở nghiên cứu như thế nào?

Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ThS.BS Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng cho biết, nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng tới suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em.

Cụ thể, theo tạp chí Y khoa hàng đầu Lancet thì bản đồ thiếu vi chất dinh dưỡng bao phủ toàn bộ các nước đang phát triển của các châu lục, gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em.

Việc đầu tư tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm (đặc biệt cho bà mẹ và trẻ em) đã được hội nghị Thượng Đỉnh Copenhagen "Đầu tư cho Thế kỷ XXI" năm 2009 xếp loại đứng thứ 3 trong số 10 đầu tư có hiệu quả kinh tế nhất của Thế kỷ XXI. Việt Nam cũng đã có nghiên cứu chi phí - hiệu quả tăng cường vi chất dinh dưỡng của tác giả Đỗ Anh Kiếm -Tổng cục Thống kê - 2007.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường hoàn toàn khách quan, khoa học

21 vi chất dinh dưỡng trong sản phẩm sữa tươi trong Chương trình sữa học đường theo quy định của Bộ Y tế

Bà Trần Khánh Vân nhấn mạnh, có khoảng 40 vi chất dinh dưỡng cơ thể không tự tổng hợp được, trong đó có 21 vi chất được lựa chọn thì trẻ em nước ta cũng như trẻ em các nước Đông Nam Á đều có tỷ lệ thiếu ở mức cao. Các vi chất này ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ thể thông qua vai trò tham gia các phản ứng trong cơ thể.

Trong các loại thực phẩm đều có chứa các vi chất dinh dưỡng này và càng ngày hàm lượng chúng trong thực phẩm càng ít dần đi (do canh tác, do đất đai bạc màu, do sản xuất nông nghiệp đại trà, rút ngắn thời vụ…), vì vậy bản chất các vi chất dinh dưỡng vẫn là thức ăn, chỉ khi dùng với liều cao mới được coi là thuốc điều trị.

“Toàn bộ các vi chất dinh dưỡng đều được sử dụng trên cơ sở Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp năm 2006, đồng thời dựa trên Bảng Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016” – bác sĩ Vân khẳng định.

Tại sao lại phải bổ sung 21 chứ không phải 3 hay 18 vi chất?

Trên thực tế, trong suốt quá trình Bộ Y tế xây dựng Thông tư liên quan đến các sản phẩm sữa học đường, đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về việc bổ sung 3 vi chất, 18 vi chất hay 21 vi chất dinh dưỡng. Cuối cùng, Bộ Y tế quyết định bổ sung 21 vi chất.

Trả lời về vấn đề này, ThS.BS Trần Khánh Vân cho biết, chế độ ăn hàng ngày không thể cung cấp đủ số và lượng các vi chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của cơ thể, trừ sữa mẹ là hoàn hảo đáp ứng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Các nghiên cứu can thiệp được Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành tại Brazil, Mexico, Guatemala của các tác giả Ramakrishnan và Roemer… đã cho thấy việc bổ sung một vài vi chất đơn lẻ không có ý nghĩa đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. Bổ sung đa vi chất có hiệu quả thực sự rõ rệt hơn đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. Một số nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho kết quả tương tự.

“Tạp chí Lancet năm 2008 (số S0140-6736) đã khuyến cáo một cách mạnh mẽ cách Quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi sử dụng các giải pháp tổng hợp bao gồm chăm sóc 1.000 ngày vàng, trọng tâm là sữa mẹ, tăng cường đa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (như Viện Dinh dưỡng đề nghị), tẩy giun và các vấn đề môi trường” – đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu.

Cũng qua nghiên cứu, hầu hết chất khoáng và vitamin này có trong sữa nhưng hàm lượng dao động theo mùa và theo loại thức ăn bò ăn vào. Do vậy, việc đưa khuyến nghị tăng cường 21 vi chất vào sữa học đường là nhằm đảm bảo hàm lượng các vi chất dinh dưỡng ổn định đạt được mức đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển.

Quá trình đề xuất bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong quá trình góp ý xây dựng Thông tư của Bộ Y tế về sữa học đường, Viện này đã tổng hợp các bằng chứng khoa học và quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và đã gửi công văn số 351/VDD-DDHD&NN ngày 06/07/2017 kèm theo báo cáo kỹ thuật về việc khuyến nghị tăng cường 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa.

Ngày 28/8/2018, Bộ Y tế tổ chức họp tiếp thu ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp sản xuất sữa. Theo đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể đáp ứng được công nghệ trong sản xuất sữa học đường thì trước mắt tập trung tăng cường 3 chất dinh dưỡng vào sữa học đường, sau này khi các doanh nghiệp có điều kiện công nghệ tốt hơn sẽ bổ sung toàn bộ 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường. Vì thế, Viện Dinh dưỡng đã làm lại công văn số 437/VDD-DDHD&NN ngày 17/09/2018 theo chỉ đạo của Bộ Y tế dựa trên kết luận của cuộc họp này về việc trước mắt tạm tăng cường 3 vi chất dinh dưỡng nói trên.

Mới đây nhất, theo tinh thần cuộc họp ngày 18/6/2019 do Thứ trưởng Trương Quốc Cường chủ trì, do các doanh nghiệp sữa khẳng định hiện nay công nghệ sản xuất sữa đã có khả năng thực hiện tăng cường đa vi chất dinh dưỡng vào sữa. Vì thế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định bảo lưu khuyến nghị tổng số 21 vi chất dinh dưỡng mà Viện đã đề xuất tại công văn số 351/VDD-DDHD&NN ngày 06/07/2017 và công văn số 363/VDD-VCDD ngày 03/07/2019.

PV