Bệnh cúm vào mùa, trẻ nhỏ "đua nhau" nhập viện
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:22, 17/12/2019
Số trẻ nhập viện gia tăng
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh khiến trẻ bị sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Đây là bệnh dễ lây thông qua đường hô hấp, từ dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc.
Thời gian gần đây, mỗi tuần Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 130-150 bệnh nhi đến khám và điều trị vì cúm mùa. Riêng tháng 11/2019, đã có gần 500 bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú vì mắc cúm.
Tại Trung tâm Y học lâm sàng và Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị cho trên 30 bệnh nhi mắc cúm mùa. Đa số các ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, có cháu nhỏ chỉ vài tháng đến 1-2 tuổi mắc cúm biến chứng rất đáng thương.
Chăm sóc điều trị cho trẻ mắc bệnh cúm tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bé M.K. (6 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do cúm A đến nay đã gần một tuần. Gia đình cho biết, trước nhập viện 1 ngày bé vẫn khỏe mạnh đi học bình thường, buổi trưa đi học về, bé bỗng nhiên lên cơn sốt cao 39-40 độ. Gia đình cho con uống thuốc hạ sốt nhưng cháu đáp ứng kém, chỉ giảm sốt một lúc rồi sốt lại. Sau 1 ngày, gia đình đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám, các bác sĩ nhận thấy cháu tình trạng trẻ sốt cao, khó thở nên nhập viện với chẩn đoán viêm phế quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với virus cúm A.
Cũng đang điều trị bệnh cúm A., bé A.D (4 tháng tuổi, ở Bắc Ninh) cũng có các biểu hiện sốt cao, ho, khò khè, khó thở. Khi đi khám bệnh nhi được chẩn đoán viêm đường hô hấp dưới phải nằm viện điều trị.
K. và A. chỉ là 2 trong số hàng trăm cháu bé đang phải vật lộn chống chọi với thời tiết giao mùa đông - xuân, với đặc điểm độ ẩm cao, nhiệt độ thuận lợi là thời kỳ các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, đây cũng là giai đoạn các bậc cha mẹ cần hết sức cảnh giác vì bệnh cúm đang “vào mùa”.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi cho hay, bệnh lý hô hấp vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các bệnh nhi đang điều trị tại khoa. Theo bác sĩ Nam, đây vẫn chưa là thời điểm lạnh nhất trong năm ở miền Bắc, nên những ngày tới, cha mẹ chú ý đề phòng bệnh hô hấp, bệnh tiêu chảy do virus ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi là nhóm tuổi sức đề kháng còn yếu.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, BSCKII Phạm Thị Như Hoa chia sẻ, khoa Nhi là nơi căng thẳng nhất về tình trạng bệnh nhân nhập viện. Chỉ riêng trong ngày 16/12 đã có hơn 200 bệnh nhi thăm khám, trong đó có hơn trăm trẻ nhập viện điều trị.
Phòng bệnh trong cộng đồng
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết mùa đông - xuân có một số chủng cúm xuất hiện. Do vậy, những đối tượng nguy cơ như trẻ em, người già phải được tiêm vắc xin cúm, tuy nhiên việc tiêm này phải thực hiện hằng năm mới đủ miễn dịch phòng bệnh.
Hiện nay bệnh cúm lưu hành chủ yếu là 2 chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, với trẻ mắc cúm, cha mẹ cần hạ sốt cho trẻ bằng uống thuốc hạ sốt theo chỉ định; vệ sinh đường hô hấp, vệ sinh mũi miệng cho trẻ bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối ấm; thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng; vệ sinh nơi ở thoáng mát, sạch sẽ; cho trẻ ăn uống đủ chất, uống nhiều nước…
Đặc biệt, khi trẻ mắc cúm cần có biện pháp phòng tránh bệnh lây lan bằng cách hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, nên đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ.
Theo TS Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mùa đông - xuân, với điều kiện thời tiết ẩm, ướt, nhất là gia tăng sự giao lưu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, nhất là các bệnh như: cúm, sởi, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella, lỵ... Ngoài ra, đây là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm của người dân tăng cao và nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi.
Vì vậy, để phòng ngừa bệnh dịch truyền nhiễm trong mùa đông - xuân, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ danh sách tiêm chủng để phân loại và tuyên truyền phụ huynh cho trẻ tiêm chủng đầy đủ. Người dân nên thực hiện tốt các khuyến cáo phòng bệnh, nhằm chống dịch bệnh bùng phát, nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng.