Tự ý sử dụng thuốc kháng sinh làm giảm cơ hội điều trị khỏi bệnh
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:32, 21/11/2019
Theo WHO, kháng kháng sinh xảy ra khi chúng ta lạm dụng hoặc dùng kháng sinh sai mục đích. Vi khuẩn tiến hóa và có khả năng kháng lại những kháng sinh từng được dùng để điều trị nhiễm khuẩn do chúng gây ra.
Tại buổi họp báo, TS Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thông tin, báo cáo về tình hình kháng thuốc của một nhóm điều phối của Liên hợp quốc đưa ra hồi tháng 4/2019 khuyến nghị, nếu không hành động ngay từ hôm nay, kháng thuốc sẽ gây ra hệ lụy là từ nay đến năm 2050 có 10 triệu ca tử vong mỗi năm, cao hơn số ca tử vong vì ung thư; kháng thuốc tạo gánh nặng kinh tế toàn cầu, tiêu tốn khoảng 100 tỷ USD, đồng thời từ nay đến năm 2030, hơn 24 triệu người sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo.
Các chuyên gia chia sẻ về kháng thuốc kháng sinh tại buổi họp báo trước thềm lễ mít tinh. Ảnh: Minh Thúy
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, ước tính ở Việt Nam, tình hình kháng thuốc trở nên báo động. Việt Nam đứng thứ 11 trong những quốc gia có tần suất sử dụng kháng sinh nhiều nhất. Thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2018 cho thấy, kháng sinh là một trong những loại thuốc bảo hiểm y tế chi trả cao nhất. Càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì càng có nguy cơ, cơ hội cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc.
“Trong những năm tới, WHO sẽ tập trung củng cố vai trò của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích. Chúng tôi rất hoan nghênh việc Tổng hội Y học Việt Nam (VMA) đã trở thành đối tác mới của chúng tôi để thực hiện việc giáo dục và khuyến khích bác sĩ và dược sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý”, TS Kidong Park nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, kháng thuốc là mối đe dọa thường trực đối với an ninh y tế công cộng tại Việt Nam. Ngành y tế cam kết sẽ làm việc với tất cả các ngành để nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của kháng thuốc. Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bắt đầu đánh giá lại Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc để đảm bảo sự hợp tác điều phối giữa các ban ngành trong việc phát triển kế hoạch hành động cho năm tới.
Theo ông Khuê, sau 5 năm thực hiện kiểm soát chặt, hiện nay tỷ lệ bác sĩ, cơ sở y tế kê đơn kháng sinh bừa bãi, sử dụng thuốc sai nguyên tắc đã giảm; hàng ngàn bác sĩ, dược sĩ cam kết không sử dụng thuốc kháng sinh sai nguyên tắc.
Song, khi chấn chỉnh được việc kê đơn trong bệnh viện, thì hệ thống cửa hàng thuốc vẫn chưa quản lý chặt việc bán thuốc kháng sinh nên ở nhiều nơi, thuốc kháng sinh được bán dễ dàng mà không cần đơn thuốc, khiến cho việc lạm dụng vẫn phổ biến.
Không ở quốc gia nào mà người dân mua thuốc kháng sinh dễ như ở Việt Nam. Cứ hễ ốm đau, người dân tự ra nhà thuốc, nhớ mang máng, đọc vài chữ thôi thì người bán sẽ giới thiệu nhiều loại thuốc khác nhau, có thể mua được thuốc kháng sinh dễ dàng mà không cần có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc bừa bãi, mua thuốc không theo chỉ định sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, gây hại tới cá nhân người mua và cả cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng đa kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc lan rộng từ nước này sang nước khác đe dọa sức khỏe con người.
Lễ mít tinh lần thứ 5 hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức sẽ có thông điệp: “Quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai. Không lạm dụng - Không dùng sai chỉ định”, kêu gọi tất cả các ngành tại Việt Nam tăng cường và phối hợp hành động tốt hơn nữa trong cuộc chiến chống kháng thuốc.
Để ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc phòng chống kháng thuốc, TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và TS Albert T.Lieberg - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực phòng chống kháng thuốc.