Không chủ quan với dịch bệnh mùa đông xuân
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:25, 18/11/2019
Chiều 18/11 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; toàn ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả.
Riêng về vấn đề phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt là sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng), nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng. Thực hiện các giải pháp tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, triển khai tiêm chủng lưu động.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền 4 nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018; riêng sốt xuất huyết theo chu kỳ nên số mắc, số chết tăng so với cùng kỳ; số mắc tay chân miệng tăng 0,5%.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh
Lo ngại dịch bệnh bùng phát dịp cuối năm
Theo TS Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mùa đông xuân và những tháng cuối năm là thời điểm dễ lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A/H7N9, Mers-CoV...
Các bệnh lưu hành tăng cao tại nhiều khu vực, đặc biệt tại châu Á - Thái Bình Dương. Các bệnh nguy hiểm mới nổi tiếp tục ghi nhận tại châu Phi, châu Á và Trung Đông.
Chuyên gia y tế dự phòng cũng lo ngại, thời gian qua dù một số bệnh giảm sâu, nhưng vẫn xuất hiện các trường hợp mắc rải rác, các ổ dịch tản phát như sốt rét, sởi, tay chân miệng. Một số bệnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Riêng về bệnh sốt xuất huyết, ông Tấn cho biết, hiện nước ta có 250.000 ca mắc, 49 ca tử vong. Tại nhiều quốc gia ghi nhận số mắc hàng tuần liên tục tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với số mắc hàng tuần ghi nhận vẫn ở mức cao.
Sở dĩ các bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa Đông - Xuân bởi thời điểm trên là mùa lễ hội, thường tập trung đông người và gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm; thời tiết ẩm ướt kéo dài; gia tăng đi lại nên có nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa.
“Vì vậy, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng”, ông Tấn nhấn mạnh.
Mục tiêu của ngành y tế là chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông - Xuân và mùa lễ hội. Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, thủy đậu …).
Trong công tác điều trị, ngành y tế cần tập trung các nguồn lực, nhân lực để thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong. Các cơ sở y tế có trách nhiệm tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thực hiện phòng chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh…