70% người mắc tiểu đường ở Việt Nam không biết mình bị bệnh

Sức khỏe - Ngày đăng : 08:17, 15/11/2019

Không được chẩn đoán sớm mắc đái tháo đường khiến người bệnh bị các biến chứng nặng nề làm tăng nguy cơ suy thận, cắt chi, đột quỵ.

Bác sĩ Trương Lê Vân Ngọc -  Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017 thế giới có 425 triệu người bị bệnh đái tháo đường, tuổi từ 20 - 79. Dự báo năm 2045 con số này là 629 triệu, tăng 48%.

Tại Việt Nam, có 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường, mỗi ngày ít nhất 80 người tử vong vì các biến chứng liên quan. Tỷ lệ người mắc bệnh này đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc bệnh mà không biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường type 2 đã được ghi nhận.

Gánh nặng tử vong và tàn phế do căn bệnh này cũng rất lớn. Theo TS Trương Đình Bắc -  Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

70% người mắc tiểu đường ở Việt Nam không biết mình bị bệnh

Đái tháo đường là bệnh dễ chẩn đoán song nhiều người chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe mình để phát hiện sớm bệnh. Ảnh minh họa

Ước tính năm 2016, trong số gần 550.000 ca tử vong, có tới 4% là do bệnh này. Năm 2017, Việt Nam đã tiêu tốn khoảng 765,6 triệu USD cho điều trị bệnh đái tháo đường.

Dù số lượng người mắc rất lớn, tuy nhiên, theo đại diện Cục Y tế dự phòng, mới chỉ có gần 30% bệnh nhân đái tháo đường được quản lý, dự phòng và dùng thuốc theo quy định. Có nghĩa là tại Việt Nam, hơn 70% người chưa hề biết mình bị mắc bệnh.

Những người có nguy cơ mắc bệnh cao gồm người làm việc văn phòng, lối sống ít vận động, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, béo phì, tiền sử đã có bệnh tăng huyết áp và/hoặc rối loạn chuyển hóa lipid, tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường.

Theo các bác sĩ, các dấu hiệu bất thường sau là các triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường:

- Liên tục thấy khát nước: Người bệnh luôn cảm thấy khát nước, uống nhiều;

- Đi tiểu nhiều, thấy kiến bâu quanh nước tiểu: Người bệnh đi tiểu nhiều hơn bình thường 3 - 5 lần vào ban ngày và ban đêm;

- Sụt cân bất thường: Người bệnh sụt cân nhiều trong thời gian ngắn khi không áp dụng biện pháp giảm cân hay ăn kiêng;

- Đói và mệt mỏi: Thường xuyên cảm thấy đói, ăn nhiều nhưng cân giảm và mệt mỏi.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người nên có thói quen khám sức khỏe 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, khi đó chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn, vận động thể lực đã có thể ngăn chặn được mắc đái tháo đường. Đáng lứu ý, trẻ em/người thừa cân béo phì trong gia đình có người thân mắc đái tháo đường nên khám, phát hiện nguy cơ mắc bệnh.

Chí Tâm