Em bé bị bỏng nửa người khi tắm và lời cảnh tỉnh cho bố mẹ
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:00, 01/10/2019
Ngày 1/10, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhi 21 tháng tuổi được đưa vào viện trong tình trạng bỏng lưng, cánh cẳng tay hai bên, đùi, mông và vùng sinh dục. Bé được chẩn đoán bỏng độ II, diện tích bỏng khoảng 12% cơ thể do ngã vào chậu nước sôi.
Theo lời kể của người nhà, khi lấy nước tắm cho bé, người nhà đã đổ nước sôi vào chậu trước khi đổ nước lạnh. Do hiếu động, bé đã ngã vào chậu nước gây bỏng nhiều chỗ trên cơ thể.
Vết thương nghiêm trọng ở trẻ bỏng nước sôi.
Các bác sĩ sơ cứu ban đầu, cắt phần da bỏng, sau đó điều trị theo phác đồ gồm bù dịch, sử dụng kháng sinh cho bệnh nhi. Bé bị bỏng cả phần bộ phận sinh dục, tầng sinh môn, nguy cơ nhiễm khuẩn khi đại tiểu tiện. Kíp bác sĩ liên tục phải thay băng, đặt ống thông tiểu cho bệnh nhi.
Hiện tại, bệnh nhi được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện, chưa thể tiên lượng tình trạng.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Quỳnh - Khoa Ngoại & Chuyên khoa (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), có nhiều tác nhân gây bỏng cho trẻ nhỏ, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi. Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như: chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhi... để lại những di chứng nặng nề.
Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ. Các ca bỏng nặng thường phải điều trị lâu dài và tốn rất nhiều chi phí.
Qua những sự cố đáng tiếc khiến bé bị bỏng, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi tắm cho bé để giữ cho con mình được an toàn. Trong trường hợp nhà không có bình nóng lạnh, bắt buộc phải đun nước nóng pha vào chậu thì không được để trẻ một mình hoặc ở gần chậu nước nóng, luôn phải có sự trông chừng của người lớn.
Hướng dẫn các bước sơ cứu trẻ khi bị bỏng nước nóng
- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước mát và sạch cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.
- Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.
- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.
- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.