Báo động chất lượng không khí ở đô thị lớn

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:22, 25/09/2019

Sáng nay (25/9), chất lượng không khí tại Hà Nội, TP.HCM tiếp tục ở mức ô nhiễm nặng, đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khoẻ của người dân.

Chất lượng không khí ngày càng “xấu”

Liên tiếp những ngày qua, nhiều đô thị lớn, các điểm đo mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM lại chìm trong sắc đỏ. Tình trạng này kéo dài liên tục nhiều ngày qua, AQI đo tại hơn 20 điểm ở Hà Nội luôn ở ngưỡng trên 100 (mức “xấu”).

AQI là chỉ số đánh giá chất lượng không khí theo khu vực giúp nhận biết không khí ở khu vực đó trong lành hay ô nhiễm và mức độ ô nhiễm cao đến mức nào, ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao.

Tại điểm đo Tây Hồ (Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) lúc 6h sáng ngày 25/9 lên tới 179. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại điểm đo này là 109,3 µg/m3, cao gấp 5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí thời gian qua trên địa bàn TP.HCM tại 20 vị trí cho thấy, ô nhiễm bụi, nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí vẫn ở mức cao. Theo cáo báo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chất lượng không khí tại TP.HCM đang ở mức báo động.

Báo động chất lượng không khí ở đô thị lớn

Ô nhiễm không khí là nỗi lo của người dân ở các đô thị lớn những ngày qua

Báo cáo nghiên cứu hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề môi trường đô thị do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cũng cho thấy, hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, trong đó ô nhiễm do khói bụi là là vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại nhất.

Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại các đô thị được xác định là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải rắn, đặc biệt là các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào như đốt rơm rạ, hay hoạt động phát thải của các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận.

Trong số các nguồn phát thải làm “bẩn” không khí đô thị, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe mô tô, xe gắn máy đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí. Các khí thải chủ yếu là SO2, NO2, bụi (TPS, PM10, PP2,5).

Bên cạnh nguyên nhân từ giao thông, ô nhiễm không khí còn do các hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, sản xuất nông nghiệp và làng nghề chôn lấp và xử lý chất thải rắn… từ hơn 1000 nhà máy, xí nghiệp sản xuất. Hiện nay, tại các đô thị vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp nằm trong nội thành. Các nhà máy này thường quy mô nhỏ và vừa, có công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu thiết bị lọc bụi và xử lý khí thải độc hại.

Đề cập về ô nhiễm hiện nay ở các thành phố lớn, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, thời tiết Hà Nội đang trong giai đoạn của đầu mùa đông, và theo quy luật thì hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra ở giai đoạn đầu mùa này.

"Thông thường càng lên cao thì nhiệt độ càng thấp, nhưng khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra trong những ngày mùa đông thì càng lên cao thì nhiệt độ không khí càng cao. Khi đó, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, vì vậy các chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp khiến không khí bị ô nhiễm nặng nề. Và trong những ngày vừa qua thì hiện tượng nghịch nhiệt lại xảy ra, không khí ở Hà Nội rất ô nhiễm, đặc biệt là bụi", TS Hoàng Dương Tùng nhận định.

Ô nhiễm không khí và cái giá phải trả

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở. Bụi siêu mịn khi tiếp xúc lâu dài gây gia tăng tỷ lệ viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim.

Ước tính cứ PM2.5 tăng 10 µg/m3 thì số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp tăng 8%, các bệnh lý về tim mạch cũng tăng lên. Do đó, những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già nhạy cảm với bụi bẩn cần đề phòng biến chứng.

Báo động chất lượng không khí ở đô thị lớn

Bụi mịn gây ảnh hưởng đến sức khỏe

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho hay, các tác động của ô nhiễm không khí trên đường hô hấp phụ thuộc vào loại và sự pha trộn các chất ô nhiễm với nhau. Ngay sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm mức độ cao, người dân có thể bị kích ứng đường hô hấp, khó thở và tăng nguy cơ lên cơn suyễn. Nếu kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Điều này có nghĩa là những tác động của ô nhiễm không khí có thể nhìn thấy ngay, nhưng có thể diễn tiến âm thầm, kéo dài, gây hậu hoạ nặng nề.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi không khí ô nhiễm, khói bụi, hầu hết người Việt khi ra đường đều có thói quen đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Tuy nhiên, những loại khẩu trang này không có tác dụng.

Theo đó, khẩu trang thường chỉ ngăn được bụi thô, không ngăn được bụi PM2.5. Chỉ có khẩu trang N95 và một số khẩu trang đặc biệt khác với kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi mịn này. Tuy nhiên khẩu trang N95 khá đắt và đeo vào hơi khó thở nên ít người sử dụng. 

Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che chắn quá nhiều nhiều lớp khẩu trang, quần áo. Điều đó có thể gây tác dụng ngược như khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp.

Bên cạnh đó, để hạn chế chất độc từ khói bụi đi vào cơ thể, người dân cần vệ sinh nơi ở, thân thể, đặc biệt là làm sạch mũi hàng ngày. Các gia đình nên tăng cường rau củ và trái cây để tăng cường sức đề kháng. Với những gia đình gần khu vực ô nhiễm cao nên đóng cửa khi không cần thiết và sử dụng điều hòa để lọc không khí để hạn chế những tác nhân ô nhiễm.

Thảo Nguyên