Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore "ăn mũi" đã ổn định và được xuất viện
Sức khỏe - Ngày đăng : 21:30, 20/09/2019
Ngày 20/9, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau hơn 3 tuần điều trị tích cực, nữ bệnh nhân P.T.S. (49 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Kạn) bị vi khuẩn Whitmore gây tổn thương áp xe mũi đã ổn định và được xuất viện.
Đây là ca bệnh Whitmore gây tổn thương cánh mũi đầu tiên ở Việt Nam và cũng chưa từng được đề cập trong y văn thế giới, vì vậy việc chẩn đoán ban đầu rất khó khăn.
Ngay khi phát hiện mắc vi khuẩn Whitmore, bệnh nhân đã được điều trị bằng phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao. Hiện tại, bệnh nhân đã cắt sốt, tổn thương ở cánh mũi đã được hồi phục hoàn toàn, các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường.
Sau hơn 3 tuần điều trị, bệnh nhân Whitmore tổn thương cánh mũi đã được xuất viện.
Trước đó vào ngày 28/8, nữ bệnh nhân này được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao liên tục, xuất hiện nhọt ở cánh mũi và có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện thêm ổ áp xe ở khớp cổ chân phải.
Tại tuyến dưới, nữ bệnh nhân này được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền đái tháo đường type 2 và được điều trị kháng sinh nhưng không đỡ. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, qua kết quả nuôi cấy mủ từ vết thương cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore).
“Khi đó chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng”, PGS Cường nói.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng cho hay, bản chất Whitmore không phải là vi khuẩn ăn thịt người, cũng không gây thành dịch. Tuy nhiên bệnh cảnh lâm sàng do Whitmore gây ra ở người lớn khá phức tạp nên thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ... nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.
Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh. Cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiệnphòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn. Xử lý tốt các viết thương ngoài da nếu bị trầy xước, nhiễm trùng và nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.