Giải thoát thanh niên 22 tuổi khỏi cảnh gù lưng như cụ ông
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:30, 20/08/2019
Ngày 20/8, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đã tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn D. (22 tuổi, ở Hà Nội) đến khám trong tình trạng cột sống bị biến dạng nhiều năm.
Với biến dạng gù nặng cột sống làm gập cả thân mình, đi khuỳnh chân, mắt không nhìn được xa (chỉ nhìn thẳng xuống đất) gây khó khăn lớn cho vận động của bệnh nhân. Việc gù nặng ngoài ảnh hưởng đến chứng năng vận động còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, tiêu hóa của bệnh nhân do cột sống gù gập chèn ép lồng ngực và ổ bụng. Bệnh nhân hay bị đầy bụng, ăn khó tiêu, đau tức ngực, thi thoảng khó thở.
Bác sĩ Lê Thanh Hùng - Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, để chữa trị cho trường hợp này, các bác sĩ đã phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng cột sống bằng kỹ thuật mới. Đó là sử dụng 4 thanh rod (2 thanh rod ngắn cố định từ đốt sống L2 đến L4, 2 thanh rod dài cố định từ đốt sống T10 đến S1), đồng thời cắt một phần đốt sống L3 để nắn chỉnh biến dạng cột sống.
Sau phẫu thuật, cột sống bệnh nhân đã cải thiện, có thể thẳng lưng
"Kỹ thuật 4 thanh rod giúp quá trình nắn chỉnh biến dạng gù thuận lợi hơn, tăng thêm độ vững chắc cho cột sống sau khi nắn chỉnh. Bệnh nhân không có tổn thương thần kinh sau mổ, hồi phục nhanh, đi lại vận động tốt", bác sĩ Hùng nói.
Ca phẫu thuật kéo dài trong 5 giờ và đã thành công ngoài mong đợi.
Theo bác sĩ Lê Thanh Hùng, viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm và cốt hóa các khớp, các dây chằng của cột sống. Gù cột sống là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh. Phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù do viêm cột sống dính khớp là một thách thức lớn của bác sĩ, do tình trạng cứng chắc của cột sống, khó tính toán mức độ biến dạng cần nắn chỉnh và vị trí can thiệp vào cột sống.
Thống kê có khoảng 1-1,4% dân số mắc căn bệnh này. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2-3 lần so với nữ. Người mắc bệnh thường khởi phát ở tuổi thiếu niên. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ gây viêm, dính các khớp cột sống và khớp ngoại biên gây gù vẹo, mất chức năng và tàn phế.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh đặc biệt là nam giới đau lưng mạn tính kéo dài trên 3 tháng không đỡ dù đã giảm cường độ vận động thì cần thăm khám nội khớp chuyên khoa.
Trường hợp bệnh nhẹ, có thể dùng thuốc, tập giãn cơ, bổ sung canxi, vitamin D, tập thể dục, tập vật lý trị liệu... Trường hợp bệnh nặng như bệnh nhân D. buộc phải phẫu thuật nắn chỉnh cột sống.
Tuy nhiên, cần hiểu rõ nắn chỉ cột sống dính khớp khó hơn nhiều nắn chỉnh cột sống bị cong vẹo thông thường.