Chấm dứt 9 năm sống chung với động kinh kháng thuốc cho thiếu niên 15 tuổi

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:13, 14/08/2019

Bằng phương pháp phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não, bé trai 15 tuổi ở Phú Thọ thoát được căn bệnh động kinh đeo bám suốt 9 năm.

Đó là trường hợp của em Nguyễn Việt A. (15 tuổi, ở Phú Thọ). Theo lời kể của gia đình, khi sinh ra A. hoàn toàn khỏe mạnh. Năm 6 tuổi, A. lên cơn sốt cao kèm co giật. Tại bệnh viện địa phương, em được chẩn đoán mắc viêm não và chỉ định chuyển lên tuyến trung ương điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhi mắc chứng động kinh. Kể từ đó đến nay đã 9 năm, A. đã điều trị động kinh ở nhiều bệnh viện, thay đổi nhiều loại thuốc nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không tiến triển.

Những năm đầu, em còn đi học được, nhưng sau đó do sức khỏe yếu nên việc học của em ảnh hưởng nhiều, đỉnh điểm, có tháng lên cơn giật 20 lần.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bệnh động kinh nếu không kiểm soát được cơn co giật sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển, chất lượng sống của người bệnh. Người bệnh có thể gặp các tai nạn sinh hoạt, chấn thương do cơn giật gây nên.

Với trường hợp của bệnh nhi A., các bác sĩ xác định được nguyên nhân sinh động kinh là do loạn sản vỏ não. Sau khi xác định được vùng sinh động kinh, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết định tiến hành phẫu thuật.

Chấm dứt 9 năm sống chung với động kinh kháng thuốc cho thiếu niên 15 tuổi

Các bác sĩ dùng phương pháp phẫu thuật điều trị động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não.

Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ vùng sinh động kinh, kết hợp với điện não đồ bề mặt để xác định chắc chắn loại bỏ hết vùng sinh động kinh và tránh làm tổn thương các vùng chức năng. Sau 8 giờ, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.

May mắn, bệnh nhi không gặp những tai biến như chảy máu trong mổ, nhiễm trùng sau mổ. Bệnh nhi hồi tỉnh nhanh và được chuyển lên khoa theo dõi.

Bệnh nhi chỉ lên cơn giật vào ngày đầu tiên sau mổ, từ ngày thứ 2 không còn xuất hiện cơn. Một tuần sau phẫu thuật, vận động của bệnh nhi có dấu hiệu phục hồi tốt. Hiện bệnh nhi đang tiếp tục được theo dõi và điều trị.

Theo Ths.BS Lê Nam Thắng - Phó Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, phẫu thuật điều trị động kinh là loại phẫu thuật chuyên khoa sâu, nhằm loại bỏ hoặc cô lập vùng não bị tổn thương (vùng sinh động kinh). Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau trong điều trị động kinh như cắt vùng sinh động kinh, cắt thể trai, cắt bán cầu não... Cái khó của phẫu thuật động kinh là phải định khu được vùng sinh động kinh. Khi đã xác định được, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt đi vùng đó. Tuy nhiên, không phải trường hợp động kinh kháng thuốc nào cũng có thể tiến hành phẫu thuật.

Việc phẫu thuật phụ thuộc vào một số yếu tố như tổn thương được xác định trên não có phải là nguyên nhân gây ra các cơn động kinh hay không; có khả năng can thiệp phẫu thuật vào các khu vực tổn thương này hay không; tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có phù hợp để phẫu thuật hay không; vị trí của tổn thương trên não có gần các khu vực nhạy cảm không (chẳng hạn phẫu thuật để chữa khỏi bệnh động kinh nhưng sau đó lại khiến bệnh nhân bị liệt).

Thảo Nguyên