Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và ký ức khó quên về ngày Quốc khánh đầu tiên

Chính trị - Ngày đăng : 08:29, 01/09/2012

Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu và đọc sách, báo hàng ngày; luôn theo sát và trăn trở về sự phát triển của đất nước - đó là cốt cách thật đáng quý của nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười.

Ngày Quốc khánh đầu tiên

Những ngày này, khi cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 67 năm ngày Quốc khánh 2-9, chúng tôi có dịp thăm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - một trong những vị lãnh đạo đặt nền móng đầu tiên cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám và khai sinh ra nước Việt Nam DCCH năm 1945. 

 

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và ký ức khó quên về ngày Quốc khánh đầu tiên

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đến thăm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân dịp Tết 2012

 

Nhắc lại ký ức không quên về những ngày đầu thành lập nước, ông dường như trẻ lại với khoảnh khắc thật hào hùng đã qua. Ông kể: Năm 1936, tôi tham gia phong trào dân chủ, đến năm 1939 thì được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Qua quá trình hoạt động, năm 1941 bị Pháp bắt và kết án 10 năm tù ở Hỏa Lò - Hà Nội. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tháng 3-1945, tôi cùng các đồng chí tù chính trị tổ chức vượt ngục thành công và trở về hoạt động khi cao trào cách mạng đang lên. Sau đó, Đảng phân công tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền tại địa phương trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Ông bồi hồi nhớ lại: Đêm trước ngày Quốc khánh đầu tiên diễn ra, tôi không tài nào ngủ được bởi tâm trạng thật khó tả. Sáng ra, tôi lại phải đi công tác Hà Nam sớm nên không đến để dự lễ Quốc khánh được, chỉ nghe qua đài lời Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ. Khi nghe Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” rồi tiếng vỗ tay ầm ầm của nhân dân ở quảng trường, tôi xúc động lắm, nước mắt cứ thế trào ra. Vậy là sau bao nhiêu năm lầm than, cơ cực giờ đây đất nước, nhân dân mới được độc lập, tự do...

 

Trên 70 năm liên tục công tác, được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của Đảng và Nhà nước, cả trong chiến tranh và hòa bình, nơi nào khó khăn nhất ông đều có mặt. Ông được đánh giá là một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân. Ở cả thực tiễn và lý luận, giữa chính trị và kinh tế, giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, ông đã đóng góp nhiều trí tuệ, chất xám, đề xuất các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng đúng đắn, phù hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

 

Nói về vị lãnh đạo đã có công đầu tiên đặt nền móng cho công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nhận xét: Nhìn lại, chúng ta càng thấy tính sáng suốt, đúng đắn trong các Nghị quyết của Đảng lúc bấy giờ, càng nhận thấy sự đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Và “Ngay cả những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước, gia nhập khối ASEAN; bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế… Những thành tựu ngoại giao này đã mở ra cho đất nước một thời kỳ mới, tạo tiền đề chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…”.

 

Đã nghỉ hưu nhiều năm song dường như ông vẫn chưa hài lòng về những gì mà chúng ta có được. Ông trăn trở: Lê Quý Đôn từng nói: “Phi nông thì tắc loạn; Phi công thì bất phú; Phi thương bất hoạt và Phi trí bất hưng”; câu nói này hàng trăm năm nay vẫn đúng. Khi làm Tổng Bí thư, tôi từng nói, đã đến lúc chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà trước tiên phải đẩy mạnh công nghiệp tư liệu sản xuất, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng... Nông nghiệp của chúng ta đã tạm ổn, đủ gạo ăn và vươn ra xuất khẩu, không còn lo đói nữa. Có nền tảng đó rồi chúng ta phải xây dựng nền công nghiệp phát triển hiện đại mới mong đất nước giàu lên được. Nhưng, từ đó đến nay, chúng ta chưa thực hiện được nhiều, thu nhập bình quân chỉ đạt 1.000 USD/người/năm là quá thấp.

 

Nguyên Tổng Bí thư cũng cho rằng, trải qua mấy chục năm, nước ta hiện nay mới đang ở thời kỳ “tiền công nghiệp hóa, hiện đại hóa” chứ chưa phải giữa kỳ. Phải xác định đúng thời điểm thì mới có chính sách điều hành tốt được. “Tôi luôn lo lắng về sự phát triển kinh tế của nước ta hiện nay”, ông chia sẻ.

 

Người mê đọc sách 

 

Tôi đã từng nghe và khâm phục tinh thần hiếu học của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhưng khi gặp gỡ mới thấy rằng điều đó vẫn nằm ngoài sự tưởng tượng lâu nay của mình. Đúng như GS Vũ Khiêu đã từng ví: “Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười là thực tế sống và chiến đấu” và trong con người ông là tập hợp 3 loại tri thức của nhân loại: Sinh nhi tri (tức là sinh ra đã biết); học nhi tri (do học mà biết) và khốn nhi tri (do khốn khó mà biết).

 

Đến nay, dù đã ở tuổi 97 ông vẫn ham đọc sách, ông là độc giả số một, đọc nhiều sách nhất của NXB Chính trị quốc gia - Sự thật. Ngay từ thời trẻ, ông đã có một tinh thần tự học miệt mài, lúc nào cũng có cuốn sách bên mình, giờ nghỉ đọc sách, đêm nằm cũng giở sách ra xem. Thậm chí, những năm tháng bị giặc Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, ông cũng tranh thủ đọc sách do anh em đồng đội lén gửi vào. Ông còn nói vui rằng: “Ở tù là cơ hội để được đọc sách và học tập nhiều hơn”. 

 

Trong căn nhà ông đang ở phố Phạm Đình Hổ (Hà Nội), có một khu được dành riêng để làm thư viện - đó là nơi những cuốn sách ông đã đọc và gìn giữ hơn 70 năm qua. Căn phòng đã chật kín với khoảng 1 vạn cuốn sách. Lấy bất cứ cuốn nào trên giá sách đều thấy những dấu ấn để lại qua mỗi lần đọc sách: Ông thường gạch chân cẩn thận những phần quan trọng để nhớ. Tôi hiểu rằng, với bao nguồn hiểu biết ấy, ông đã thực hiện thành công những nhiệm vụ rất đa dạng của Đảng và Nhà nước, từ những hoạt động cách mạng, khởi nghĩa giành độc lập cho đến Bộ trưởng, Trưởng ban Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổng Bí thư… những năm qua.  

 

Cho đến tận bây giờ, không chỉ chúng tôi - những nhà báo trẻ mà bất cứ ai ghé thăm ông thì câu chuyện trong những lần gặp gỡ ấy không có gì ngoài tình hình đất nước, những băn khoăn làm thế nào để công tác xây dựng Đảng ngày càng tốt hơn, làm sao ngày càng giảm đi những cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất, mất lòng dân. Làm thế nào để chọn đúng những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước xứng tầm với sự lớn mạnh của Đảng, sự phát triển của đất nước; Xây dựng thế hệ cán bộ nguồn lãnh đạo ra sao... 

 

Hàng ngày, ông vẫn nắm thông tin qua đài báo, vẫn đọc, vẫn nghe và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân ở một số vùng. Ông buồn vì một số tồn tại, yếu kém trong Đảng, trong một số cán bộ Đảng và chính quyền các cấp chậm được khắc phục.

 

Phải nói rằng, tinh thần học tập và làm việc của ông rất đáng để các thế hệ con cháu noi theo và học tập. Ông Phan Trọng Kính, trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho biết, dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn giữ nguyên tính cách của một người cộng sản trung kiên, một con người của hành động, luôn đau đáu nghĩ suy lo toan những vấn đề đặt ra của đất nước. Nghỉ công tác đã lâu nhưng ông vẫn giữ giờ giấc như ngày còn đương chức, vẫn thức khuya, dậy sớm nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ các nhà khoa học bạn bè, đồng chí để tìm hiểu những vấn đề mới, luận bàn về công việc của đất nước, về xây dựng Đảng; tâm huyết đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều công việc quan trọng. 

 

Mai Thoa