Bé 20 tháng bị chó nhà cắn nát mặt, gãy xương mũi
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:49, 23/07/2019
Ngày 23/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhi L.G.B. (20 tháng tuổi, ở Đại Từ, Thái Nguyên) trong tình trạng chấn thương ở vùng cổ chân, vùng mặt, gãy xương chính mũi, mất nhiều máu.
Theo lời kể của người nhà, bé B. đang chơi một mình trong bếp thì bất ngờ bị chó nhà tấn công. Khi nghe tiếng khóc của bé, gia đình chạy xuống xem thì B. đã bị chó cắn, xé rách vùng đầu mặt.
Gia đình vội đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng do mất nhiều máu nên bệnh nhi nhanh chóng được chuyển tiếp lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện đang được điều trị tích cực tại khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện.
Bệnh nhi bị đa chấn thương ở vùng mặt, gãy xương chính mũi
Tháng 4 vừa qua, cũng tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên xảy ra vụ việc thương tâm khi bé trai 7 tuổi bị chó nhà cắn dập nát vùng nách, cánh tay và hậu môn. Dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, song do vết thương quá nặng và phức tạp, bệnh nhi này đã tử vong.
Thời gian qua, rất nhiều vụ việc trẻ em bị chó tấn công đã xảy ra, để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), đã có ít nhất 3 trường hợp trẻ tử vong và gần 10 trẻ bị thương nặng do chó cắn trong vòng hơn nửa năm qua, gióng lên hồi chuông báo động đối với các gia đình đang nuôi chó.
Trước tình trạng nhiều trẻ em bị chó nhà nuôi tấn công bị thương, bác sĩ khuyến cáo các gia đình nuôi cho mèo cần ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông. Không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vắc xin ngừa bệnh dại định kỳ.
Khi bị chó cắn, đối với vết thương nhỏ, cần phải rửa sạch bằng xà phòng để tránh vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, nếu chó chưa được tiêm phòng dại, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng.
Trường hợp vết thương chó cắn chảy nhiều máu, phải dùng băng gạt vô khuẩn ép và băng chặt để máu dừng chảy. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.