Trẻ sống chung với người hút thuốc nguy cơ cao mắc bệnh về đường hô hấp

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:34, 03/06/2019

Phổi của trẻ vốn chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất độc trong khói thuốc. Do đó, việc hút thuốc thụ động từ khói thuốc của người xung quanh sẽ khiến trẻ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới 5 giờ đồng hồ kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Trong môi trường khép kín hay tại các khu vực riêng ở trong nhà, khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí càng trầm trọng hơn.

Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 là chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi cho những người sống và làm việc tại các nơi này. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi.

Hút thuốc lá thụ động (như tại các nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín...) cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc”, ông Khuê nói.

Trẻ sống chung với người hút thuốc nguy cơ cao mắc bệnh về đường hô hấp

Bảo vệ trẻ em trước khói thuốc. Ảnh minh họa

Đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cũng cho biết, hút thuốc lá thụ động gây ra nhiều tác hại đối với hệ hô hấp của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi.

Ngoài ra, trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Bên cạnh đó, trẻ em hít phải khói thuốc có thể phải chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do việc bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên.

Theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có thuốc lá. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi con của những người không hút thuốc.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm gây ra vào năm 2030, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, việc phòng, chống tác hại của thuốc lá cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng trên toàn thế giới.

Theo đó, Việt Nam sẽ tăng cường phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua việc thực hiện đầy đủ và mạnh mẽ các nội dung của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời tăng cường thực thi các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tuy nhiên, theo ông Khuê, ở cấp độ nhà trường cần phải tuyên truyền, giáo dục các em học sinh nhằm nâng cao nhận thức, tự bảo vệ sức khỏe trước tác hại của thuốc lá, tích cực khuyên người thân trong gia đình từ bỏ thuốc lá hoặc hút thuốc lá đúng nơi quy định. Về lâu dài cần phải bổ sung hành vi nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá như “không hút thuốc lá ở khu vực có trẻ em” cũng như quy định chế tài xử phạt thật nặng để bảo vệ trẻ em trước tác hại của khói thuốc lá.

Ở cấp độ gia đình, cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp để thực hiện môi trường trong lành không có khói thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình và con cái của mình.

Thảo Nguyên