TP.HCM siết chặt quản lý bán thuốc kê đơn
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:18, 20/04/2019
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn từ 2017-2020.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế - đặc biệt là người kê đơn và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn và bán thuốc kê đơn mà trọng tâm là kháng sinh, nhằm giảm tình trạng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đến năm 2020 phấn đấu đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện ngoài công lập và đạt 80% đối với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập khác trên địa bàn.
Đồng thời đến năm 2020 có 90% các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và bệnh viện ngoài công lập và 70% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập khác kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, đến năm 2020, tất cả các nhà thuốc bán kháng sinh phải có đơn thuốc.
Các nhà thuốc muốn bán kháng sinh phải có đơn thuốc. Ảnh minh họa
Kế hoạch kiểm soát này chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một từ tháng 4 đến tháng 10 kiểm tra tại quận Phú Nhuận. Giai đoạn hai triển khai trên toàn thành phố từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2020.
Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra nhà thuốc trong và ngoài cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh, người bán thuốc lẻ và kê đơn thuốc, người mua thuốc tại nhà thuốc, người khám bệnh.
Thông qua việc kiểm tra này, nếu sau lần đầu bị nhắc nhở còn vi phạm về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn các cá nhân, đơn sau sẽ bị áp dụng hình phạt bằng tiền ở mức độ cao nhất theo quy định.
Theo Cục Y tế dự phòng, kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề y tế nan giải, nhiều người bệnh kháng thuốc kháng sinh dẫn tới kéo dài thời gian điều trị, bệnh nặng, thậm chí tử vong. Mỗi năm có đến hơn 700.000 người chết do ảnh hưởng của kháng kháng sinh. Nếu không hành động, con số có thể tăng lên đến hơn 10 triệu người vào năm 2050.
Ở Việt Nam có khoảng hơn 30.000 cơ sở bán thuốc tư nhân. Một khảo sát của Bộ Y tế cho thấy có tới 91% nhà thuốc ở nông thôn và 80% nhà thuốc ở thành thị bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc. Khi có triệu chứng bị bệnh, rất nhiều người sẽ ưu tiên đến một cơ sở thuốc tư nhân gần nhà để "hỏi ý kiến" dược sĩ hơn là tới bệnh viện.
Với những nỗ lực của ngành y tế, cùng việc nâng cao nhận thức người dân về mua, bán thuốc kê đơn, hy vọng thời gian tới, việc sử dụng thuốc tùy tiện, tràn lan sẽ dần được kiểm soát.