Mắc khối u bạch huyết khiến đùi bé 20 tháng tuổi phình to hơn người

Sức khỏe - Ngày đăng : 19:19, 08/04/2019

Bé trai sinh ra khỏe mạnh nhưng một bên đùi trái có khối u to chiếm toàn bộ mặt sau, ngoài đùi. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có khối u bạch huyết kích thước lớn.

Bệnh nhân N.T.L. (20 tháng tuổi, ở Thanh Hóa) sinh ra khỏe mạnh nhưng một bên đùi trái có khối u to chiếm toàn bộ mặt sau, ngoài đùi.

Các bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán cháu mắc khối u bạch huyết và chỉ định điều trị nội khoa (tiêm xơ) cho bé. Sau 10 tháng điều trị nhưng bệnh tình không tiến triển, bé được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS Hoàng Hải Đức - Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, qua quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm, dựa vào hình ảnh chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ phát hiện có khối u bạch huyết kích thước lớn (5,3x16x17cm) nằm toàn bộ mặt sau cơ đùi trái của bệnh nhi. Nếu không được phẫu thuật, khối u sẽ ảnh hưởng nhiều tới chức năng vận động của trẻ. Bệnh nhi được chỉ định mổ cắt bỏ khối u. 

Mắc khối u bạch huyết khiến đùi bé 20 tháng tuổi phình to hơn người

Đùi bệnh nhi phình to hơn cả cơ thể do khối u khổng lồ

Sau ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ, khối u được giải phóng khỏi cơ thể bệnh nhi. Bé trai được các bác sĩ tiến hành tiêm xơ làm giảm tỷ lệ tái phát, tạo hình vạt da cơ đùi sau, giúp hình thể đùi gọn lại.

Đây là một phẫu thuật phức tạp do thời gian gây mê lâu, phẫu tích khối u nằm trong cơ đùi gần thần kinh hông to thần kinh đùi, bệnh nhân dễ mất máu, mất dịch thể.

Theo TS Hoàng Hải Đức, u bạch huyết là dị tật của hệ thống bạch huyết, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi vị trí của cơ thể. Trong đó, 90% xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi và hay gặp ở vùng đầu, cổ.

Trường hợp của bé L. thuộc dạng u bạch huyết bẩm sinh và có thể chẩn đoán trước sinh, trong thời kỳ bào thai, qua siêu âm thai. Nguyên nhân trực tiếp của u bạch huyết là sự tắc nghẽn của hệ thống bạch huyết từ thời kỳ bào thai, mặc dù các triệu chứng có thể không phát hiện được trong giai đoạn mang thai của người mẹ cho đến khi em bé được sinh ra.

Bệnh có thể gây ra biến chứng chảy máu nhỏ, viêm mô tế bào tái phát và rò rỉ dịch bạch huyết. Nếu u bạch huyết dạng nang có kích thước lớn ở vùng cổ có thể gây khó nuốt, các rối loạn hô hấp và nhiễm trùng.

Các biến chứng sau khi phẫu thuật cắt bỏ nang bạch huyết có thể gặp là tổn thương các cấu trúc cơ quan vùng cổ, nhiễm trùng và bệnh tái phát.

Thảo Nguyên