Cảnh báo: Tia cực tím ở TP.HCM đang vượt ngưỡng nguy hiểm
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:03, 27/03/2019
Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, nắng nóng có xu hướng gia tăng và mở rộng tại TP.HCM cùng các tỉnh Đông Nam Bộ và một số tỉnh Tây Nam Bộ trong thời gian tới. Nhiệt độ từ ngày 26/3 - 28/3 luôn dao động ở mức 35 - 37 độ, có nơi hơn 37 độ.
Trang web về thời tiết WeatherOnline (Anh) thông tin chỉ số tia cực tím (UV) ở TP.HCM ngày 27/3 tiếp tục có thời điểm đạt mức 12 (mức cao nhất theo thang của Tổ chức Y tế thế giới - WHO là 11+).
Dự báo, chỉ số tia UV trong những ngày tới có thể giảm nhưng luôn ở mức cao nhất là 10 - 11. Được biết, khi chỉ số UV ở mức 11+, thời gian gây bỏng da là 10 phút. Với mức UV 8 - 10, thời gian gây bỏng là 25 phút.
TP.HCM tia cực tím tăng cao
PGS Trần Hồng Côn - Giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cường độ tia cực tím phụ thuộc vào mây, mùa, thời tiết… Ví dụ, trời nắng nhưng nhiều mây, lượng tia cực tím sẽ yếu hơn và ngược lại. Thông thường, 10 - 14h hàng ngày là khoảng thời gian có chỉ số tia cực tím cao nhất.
Theo Đại tá Phạm Văn Tiến - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103, tia cực tím gây ảnh hưởng nhiều nhất đến mắt khi không đeo kính bảo hộ. Các tế bào bao bọc mắt có thể bị phá hủy do tia nắng, nhất là khi phản chiếu dội lên từ mặt xi măng, cát hay nước.
Sau khi bị tia cực tím chiếu, từ 6 - 15 giờ, bệnh nhân có những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng. Thông thường, nếu tiến triển tốt, sau 8 giờ, những triệu chứng này sẽ tự khỏi.
Trường hợp cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia cực tím còn có khả năng gây các chứng bệnh về mắt trầm trọng hơn, như suy hoại võng mạc, cườm mắt, lòa thậm chí mù mắt.
Ngoài ra, tia UV còn có thể gây ra một số tác hại đối với sức khỏe con người như ung thư da, khối u ác tính, ung thư mô tế bào cơ bản, ung thư mô tế bào hình vảy, lão hóa nhanh, ức chế miễn dịch.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần có biện pháp che chắn, bảo vệ da trước ánh sáng mặt trời, nhất là trẻ nhỏ. Vì da bé khá mỏng và non nớt, cấu trúc tế bào chưa hoàn thiện nên rất dễ tổn thương bởi tia cực tím hơn là người lớn. Nếu tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng trực tiếp, da trẻ có thể nổi bọng nước, bóc vảy.
Còn đối với người lớn, trước khi ra khỏi nhà 20-30 phút cần thoa kem chống nắng để bảo vệ da, mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang dày và đội nón rộng vành để bảo vệ làn da trước ánh nắng.
Những người đang bị các bệnh lý về da, da nhờn, nổi mụn hoặc đang uống một số loại thuốc giảm đau, kháng sinh… cần cẩn trọng hơn nếu đi ra ngoài. Vì việc tiếp xúc trực tiếp với tia cực tiếp sẽ khiến làn da dễ bắt nắng, bỏng rát, tình trạng bệnh lý ở da sẽ kéo dài thêm.