Hỗ trợ pháp lý cho các huyện nghèo là chủ trương đúng đắn
Chính trị - Ngày đăng : 22:22, 30/08/2012
Đến dự hội nghị có Tiến sĩ Trần Huy Liệu, Quyền Cục trưởng Cục TGPL; ông Phạm Quang Đại, Phó Cục trưởng Cục TGPL; ông Nguyễn Đức Tưởng, Giám đốc Quỹ TGPL Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL của các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung…
Ông Phạm Quang Đại, Phó Cục trưởng Cục TGPL báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Quyết định số 52
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Đại, Phó Cục trưởng Cục TGPL cho biết, vào cuối năm 2010, chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương tình 135 giai đoạn II của Chính phủ kết thúc. Cũng vào thời điểm đó, nguồn tài chính của các tổ chức nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động TGPL ở Việt Nam chấm dứt do Việt Nam thoát nghèo và gia nhập danh sách những nước trung bình. Vì vậy công tác TGPL trong phạm vi toàn quốc, đặc biệt là việc TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng cao gặp rất nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18-10-2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2012. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước tới việc chăm lo phát triển an sinh xã hội và TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa phương nghèo.
Quá trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch- Đầu tư và UBND các tỉnh có huyện nghèo để chỉ đạo nhanh chóng triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý và đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân thuộc phạm vi hỗ trợ và góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo thuộc 21 tỉnh trong toàn quốc. Kết thúc năm 2011, các Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL đã chi 12,778 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ pháp lý; năm 2012 tổng kinh phí là 26,250 tỷ đồng được chi cho công tác này.
Qua 2 năm triển khai Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định việc ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý cho các huyện nghèo là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp ở cơ sở và đội ngũ người thực hiện TGPL ở các huyện nghèo cũng như đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng và ngày một tăng của nhân dân, góp phần bảo đảm sự bền vững của hoạt động TGPL và hoạt động tư pháp ở cơ sở. Việc duy trì và tiếp tục thực hiện các phương thức, mô hình hỗ trợ pháp lý tại cơ sở (TGPL lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ TGPL, hòa giải cơ sở…) đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí.
Về cơ bản, số lượng người dân thuộc diện được TGPL tại các huyện nghèo được tiếp cận và hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí thông qua việc tư vấn pháp luật, hòa giải cơ sở đã tăng lên đáng kể. Qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, đồng thời tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do vậy chủ trương này đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của đại biểu cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong thực hiện Quyết định số 52 như: cơ chế tài chính để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý vẫn còn bất cập; các cấp, các ngành ở địa phương chưa nhanh nhạy, kịp thời phối hợp, bố trí cán bộ tham gia nhằm tận dụng mọi nguồn lực cho việc đào tạo cán bộ địa phương làm công tác này; chất lượng vụ việc tư vấn pháp luật thông qua các đợt TGPL ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, sinh hoạt câu lạc bộ còn mang tính hình thức…
Trong giai đoạn 2013-2020, Cục TGPL phấn đấu cam kết đảm bảo 95% người thuộc diện TGPL tại các địa phương được hỗ trợ, có nhu cầu TGPL được kịp thời tiếp cận và hưởng dịch vụ TGPL miễn phí. Phấn đấu đến năm 2015 có 95-100% Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL tại các huyện nghèo hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; 95-100% viên chức làm việc tại chi nhánh của Trung tâm tại các huyện nghèo hoàn thành chương trình đào tạo luật sư…
Cũng tại hội nghị này, Cục TGPL và các đại biểu nhất trí kiến nghị với Bộ Tài chính cần sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 41/2009/TT-BTC, tạo cơ chế tài chính thuận lợi để lập, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg; tạo điều kiện để bố trí kinh phí ngay từ đầu năm để Quỹ TGPL Việt Nam phân bổ kinh phí cho địa phương chủ động triển khai thực hiện. Ngoài ra, Cục TGPL sẽ nghiên cứu cơ chế cấp kinh phí quản lý cho các Sở Tư pháp, các Trung tâm TGPL nhà nước và Quỹ TGPL Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra giám sát nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 52 đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng được nhu cầu TGPL của nhân dân.
Trần Minh Giang