Bộ trưởng Bộ Y tế: Trẻ bị bệnh sởi trách nhiệm của phụ huynh

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:26, 09/03/2019

Ngày 9/3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu kiểm tra phòng chống dịch tại TP.HCM - nơi đang có số ca mắc bệnh sởi tăng cao bất thường từ cuối năm 2018 đến nay.

“Lỗ hổng” tiêm chủng khiến số ca mắc tăng

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Trạm y tế phường 15, quận 8 (TP.HCM) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 5/3/2019, trên địa bàn quận có 23 ca mắc bệnh sởi, cao hơn rất nhiều so với năm 2018. Đặc biệt có 3 ca bệnh là người lớn và 7 ca bệnh trẻ em chưa đủ 9 tháng tuổi - độ tuổi rất khó mắc phải căn bệnh này.

Cũng theo đại diện Trạm y tế phường 15, nguyên nhân bệnh sởi tăng cao đột biến là do bệnh này rất dễ lây lan, trong khi địa bàn dân nhập cư nhiều, thường xuyên thay đổi dẫn đến việc truyền thông kiến thức phòng bệnh, vận động đưa trẻ đi tiêm ngừa rất khó khăn.

Mặt khác, nhiều phụ huynh khi con đến tuổi tiêm chủng nhân viên y tế mời nhiều lần nhưng họ kiên quyết từ chối vì sợ tai biến sau tiêm. Bên cạnh đó là nhóm gia đình không cho trẻ tham gia tiêm chủng mở rộng mà chờ tiêm dịch vụ lúc 12 tuổi tuổi nên trong thời gian chờ đợi đã bị nhiễm bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Trẻ bị bệnh sởi trách nhiệm của phụ huynh

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi làm việc với Trạm y tế phường 15

Sau khi nghe trình bày về tình hình bệnh sởi trên địa bàn quận 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh sởi ở trẻ nhỏ và các bà mẹ. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, trẻ bị bệnh sởi trách nhiệm là ở bà, ở bố mẹ.

“Hồi thế hệ bà không tiêm cho con gái nên con gái lớn sẽ bị bệnh. Còn con gái không được tiêm nên cháu không được truyền miễn dịch thì chưa đến 9 tháng tuổi đã bị mắc bệnh…”, bà Tiến nói.

Thị sát tình hình khám chữa bệnh tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp thăm hỏi một số phụ huynh có con bị sởi đang nằm điều trị tại đây và nhận thấy có rất nhiều bé bị sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng.

Bà Tiến khuyên những người mẹ này đi tiêm ngừa sởi càng sớm càng tốt, bởi nếu sau đó họ tiếp tục có con thì những đứa con sau lại có nguy cơ mắc sởi khi chưa đủ 9 tháng tuổi. Bà cũng yêu cầu phía Bệnh viện Nhi Đồng 1 đưa ra khuyến cáo tương tự với các trường hợp khác.

Tập trung tiêm vắc xin sởi theo lịch

Theo Sở Y tế TP.HCM, tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn TP trong 2 tháng đầu năm 2019 diễn biến rất phức tạp. Chỉ mới 2 tháng đầu năm, số ca mắc sởi ở TP đã lên đến 2.634 ca, cao hơn nhiều so với cả năm 2018 vừa qua chỉ có 1.698 ca. Bệnh sởi đã xuất hiện ở 24/24 quận huyện và có mặt ở 285/319 phường/xã của TP. Trong đó, độ tuổi mắc sởi tập trung nhiều nhất là từ 1 tháng đến 5 tuổi, chiếm khoảng 40%.

BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua điều tra các đối tượng mắc sởi trên, có đến 97% là chưa tiêm phòng vắc xin sởi. Hiện nay, tỷ lệ tiêm sởi tại TP.HCM ước đạt 96% mũi thứ 1 và 80% mũi thứ 2. Tỷ lệ này còn cách khá xa so với mục tiêu đạt 95% độ bao phủ tiêm chủng đối với bệnh sởi.

Do đó, từ tháng 11/2018, Sở Y tế TP đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella (MR) cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai tích cực, độ bao phủ vắc xin này của TP cũng mới chỉ đạt 85%.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, một trong những khó khăn hiện nay là các địa phương vẫn chưa thể quản lý được tình trạng tiêm chủng của trẻ trong cộng đồng, nhất là những trẻ không đến trường, khiến cho việc tiêm ngừa, phát hiện, cách ly sót, chậm, dẫn đến việc lây lan làm bệnh sởi gia tăng nhanh trong thời gian qua.

Về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, Sở Y tế TP nên triển khai tiêm phòng vắc xin trong các bệnh viện nhi bởi hiện 3 bệnh viện nhi đồng của TP.HCM mỗi ngày tiếp nhận số lượng lớn trẻ đến khám bệnh và điều trị. 

Bên cạnh đó, TP cũng cần “đẩy” vắc xin sởi của Chương trình Tiêm chủng mở rộng vào các cơ sở tiêm chủng dịch vụ vì đặc điểm của cư dân đô thị là ưa chuộng vắc xin dịch vụ và sẵn sàng bỏ qua mũi sởi 9 tháng để chờ đến khi trẻ 12 tháng mới tiêm dịch vụ mũi tổng hợp sởi – quai bị - rubella. 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Trẻ bị bệnh sởi trách nhiệm của phụ huynh

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi thăm các bệnh nhân nhi tại khu khám bệnh

Kiểm tra thực tế về công tác phòng chống dịch tại TP, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nguyên nhân chính của việc bùng phát bệnh sởi như hiện nay ở TP.HCM là do người dân không được tiêm vắc xin sởi. Vì vậy, muốn giải quyết bệnh sởi phải thực hiện tốt công tác truyền thông, nắm đối tượng đầy đủ và tiêm vắc xin sởi.

Truyền thông phải đi trước một bước. Thực tế, trong thời gian qua, việc truyền thông về tiêm phòng vắc xin đã làm khá tốt, vận động được người dân hiểu biết về việc tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, vấn đề điều tra, nắm đối tượng tiêm vắc xin sởi của ngành y tế TP còn lỏng lẻo, bỏ sót. “Ngay cả số trẻ mà TP.HCM thống kê chưa tiêm vắc xin sởi mũi 1 tôi e ngại vẫn còn bỏ sót nhiều”, bà Tiến nói.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ trưởng Y tế khẳng định chỉ có tiêm ngừa triệt để mới không bị nhiễm bệnh. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở Y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh.

“Hiện nay, vắc xin sởi rất an toàn cho bệnh nhân, vắc xin không thiếu, các điểm tiêm chủng cần triển khai tiêm cho tất cả mọi đối tượng từ dân nhập cư cho đến dân bản địa, tiêm đúng lịch cho trẻ, vận động phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chủ động tiêm phòng sởi trước khi mang thai để bảo vệ cho chính họ và thế hệ sau này”, bà Tiến nhấn mạnh.

Chí Tâm